1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thống đốc Bình: "Sẽ tái cấu trúc cả những ngân hàng lớn"

(Dân trí) - Thống đốc Bình cho biết, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ có những bước đột phá trong thời gian tới. Trong 6 tháng cuối năm nay sẽ tái cấu trúc cả những ngân hàng thương mại cổ phần lớn.

 Sáng nay 9/7, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng và vấn đề tái cơ cấu ngành ngân hàng một lần nữa được người đứng đầu ngành nhấn mạnh tại hội nghị này.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Nợ xấu đang từng bước được xử lý. Chưa có thời điểm nào như thời điểm này các tổ chức tín dụng tự nguyện trích lập dự phòng rủi ro. Đó là cơ sở đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và góp phần xử lý nợ xấu.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng thừa nhận, tình hình xử lý nợ xấu có vẻ như chậm lại trong thời gian qua, nhưng sự chậm lại đó là để hoàn thiện các văn bản pháp lý và tinh thần chung từ nay đến cuối năm vẫn là tiếp tục xử lý các khoản nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro… Hiện tại, Công ty quản lý tài sản VAMC đã mua được khoảng 50.000 tỷ đồng nợ xấu và kế hoạch năm nay sẽ mua khoảng 70.000 - 100.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, 6 tháng còn lại của năm 2014, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu, lộ trình của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo nhấn mạnh của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ có những bước đột phá trong thời gian tới. Từ trước tới nay mới tái cấu trúc các ngân hàng nhỏ, yếu kém. Trong 6 tháng cuối năm này sẽ tái cấu trúc cả những ngân hàng thương mại cổ phần lớn.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ đạo điều hành tại hội nghị sơ kết ngành.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ đạo điều hành tại hội nghị sơ kết ngành.

Tín dụng sẽ tăng trưởng trên 10%

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết: Đến cuối tháng 6/2014, tín dụng tăng 3,52% so với cuối năm 2013, trong đó có sự đóng góp từ việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao (tín dụng ngoại tệ tăng 12,03%, tín dụng bằng VND tăng 2,17%).

“Mặc dù tăng thấp nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tính quy luật tín dụng thường tăng thấp trong những tháng đầu năm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh”, Ngân hàng Nhà nước lý giải.

Dù tín dụng tăng chậm, nhưng cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Ước đến cuối tháng 6/2014, tín dụng xuất khẩu tăng 10%, công nghiệp hỗ trợ tăng 5,8%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 13%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2% so với cuối năm 2013; đến cuối tháng 5/2014 tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng khoảng 2,56% so với cuối năm 2013.

Đề cập tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% mà ngành ngân hàng đặt ra từ đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thừa nhận, so với chỉ tiêu đặt ra thì con số này hết sức khiêm tốn, tuy nhiên, mục tiêu mà ngành ngân hàng đặt ra từ đầu năm có khả năng đạt được.

Theo Thống đốc Bình, mức chi tiêu, tiêu dùng của nhân dân đã có cải thiện khá mạnh trong 6 tháng đầu năm. Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi thông thường, khi tiêu dùng, đầu tư được cải thiện thì tín dụng ngân hàng sẽ tăng. Trên thực tế, tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường tăng trưởng gấp đôi so với đầu năm. Và như vậy, “với kết quả 6 tháng đầu năm nay vào khảng 3,52%, nếu theo quy luật đó thì 6 tháng còn lại tín dụng sẽ tăng khoảng 7%, tính chung cả năm sẽ đạt trên 10%”, Thống đốc Bình khẳng định.

Với quy luật trên, vị tổng tư lệnh ngành ngân hàng cho biết: Trong giải pháp điều hành 6 tháng cuối năm, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước vẫn không thay đổi. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để phấn đấu đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12-14%, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đáp ứng vốn cho nền kinh tế.

Trong 6 tháng đầu năm, các công cụ chính sách tiền tệ đã được điều hành đồng bộ và linh hoạt. Mặc dù đưa một lượng lớn tiền ra để mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước nhưng đã kịp thời rút bớt tiền về, đảm bảo kiểm soát tiền tệ phù hợp mục tiêu kiểm soát lạm phát. Đến ngày 30/6/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,29% so với cuối năm 2013, phù hợp so với chỉ tiêu định hướng tăng 16-18% trong năm 2014.

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, việc điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã được thực hiện linh hoạt. Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt so với thông báo của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và khả năng quản trị rủi ro; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, trong điều kiện thâm hụt ngân sách được mở rộng lên 5,3% GDP và khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành tăng lên, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực, bởi vậy không thể chủ quan với những diễn biến của lạm phát. Việc tăng cường nắm giữ trái phiếu Chính phủ một mặt giúp các tổ chức tín dụng tăng dự trữ thanh khoản nhưng cũng có thể phát sinh khó khăn nếu các tổ chức tín dụng không chủ động trong việc cân đối vốn theo kỳ hạn hợp lý.

Nguyễn Hiền
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”