Thời trang "mỳ ăn liền" đổ đến, kiếm triệu USD từ Việt Nam
Hàng loạt thương hiệu thời trang nhanh đang đổ bộ vào Việt Nam bởi tiềm năng rất lớn của thị trường trong nước.
Mới khai trương tại TP.HCM chưa được bao lâu, Uniqlo đang rục rịch khai trương thêm điểm mua sắm tại Hà Nội. Theo thông tin mới tiết lộ, với gần 2.500 m2, chiếm hai tầng lầu một trung tâm thương mại lớn tại phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội, đây sẽ là một trong những cửa hàng Uniqlo lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Năm 2019, thị trường bán lẻ ghi nhận đã đón một số thương hiệu thời trang nhanh nổi tiếng vào thị trường Việt Nam như Cotton On (400 m2). Đầu tháng 12/2019, Uniqlo đã mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam, với tổng diện tích 3.000 m2 trên 3 tầng, được xác định là một trong những cửa hàng chiến lược của Uniqlo ở khu vực.
Trong hai năm trở lại đây, rất nhiều thương hiệu thời trang lớn của thế giới đã chính thức mở cửa hàng tại Việt Nam, trong đó nổi bật là H&M và Zara, hai cái tên được các tín đồ thời trang trong nước rất chờ đợi.
Bên cạnh đó, các hãng thời trang quốc tế còn thâu tóm nhiều thương hiệu trong nước. Công ty TNHH MTV Global Fashion (GF), chủ sở hữu thương hiệu giày, túi xách nữ Vascara, cho biết, đơn vị này vừa chính thức sáp nhập vào Stripe International (Nhật Bản) thông qua hình thức bán lại gần hết cổ phần.
Vascara là thương hiệu giày, túi xách Việt Nam, ra đời vào năm 2007 và hiện là một trong những thương hiệu bán lẻ giày, túi thời trang lớn trong ngành. Stripe International từng gây xôn xao khi mua lại thương hiệu thời trang Nem trong năm 2017.
Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện có hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị phần, từ hàng bình dân đến cao cấp. Vẫn còn 40% thị phần cho may mặc trong nước.
Sự xuất hiện của các nhãn hàng trên cho thấy, các hãng thời trang lớn trên thế giới đang rất quan tâm tới Việt Nam - thị trường có mức tăng trưởng bình quân từ 15-20%. Kết quả khảo sát gần đây của hãng Niesel, số lượng người Việt mê hàng hiệu đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc (74%) và Ấn Độ (59%).
Theo dự báo của BMI, tốc độ chi tiêu của người Việt cho thời trang tăng trưởng trung bình 10%/năm trong giai đoạn 2017-2021 so với 7% của các năm trước đó được cho là mảnh đất màu mỡ của các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tốc độ tăng trưởng dệt may nội địa khá cao, khoảng 20%/năm. Thị trường nội địa có quy mô khoảng 4,5 tỷ USD/năm, tương đương 40 triệu bộ quần áo. Trung bình, mỗi năm người Việt chi khoảng 100.000 tỷ đồng cho quần áo. “Miếng bánh lớn” ấy còn nhiều khoảng trống mà bất cứ thương hiệu thời trang nào cũng muốn có phần.
Những con số về kết quả kinh doanh của hãng thời trang Zara đã chứng minh rõ tiềm năng thị trường thời trang Việt Nam có sức hấp dẫn như thế nào đối với các thương hiệu quốc tế. Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC), chỉ trong 4 tháng đầu tiên hoạt động tại Việt Nam (năm 2016) Zara Việt Nam đã đạt doanh thu 321 tỷ đồng, bình quân đạt doanh thu 2,8 tỷ đồng/ngày.
Sang năm 2017, số liệu của Mitra Adiperkasa cho thấy, doanh thu của toàn hệ thống tại Zara Việt Nam đã tăng vọt lên hơn 1.100 tỷ đồng. Và trong nửa đầu năm 2018, doanh thu của hệ thống thời trang nhanh này tại Việt Nam tăng trưởng 133% và đạt gần 950 tỷ đồng.
Đại diện hãng cũng từng chia sẻ H&M nhìn thấy tiềm năng gần đây của thị trường Việt Nam khi dân số trẻ, kinh tế phát triển nhanh. Thương hiệu này cũng không giấu tham vọng trở thành là điểm đến thời trang số 1 ở Việt Nam trong vài năm tới.
Mặc dù vậy, khó khăn nhất mà các thương hiệu bán lẻ gặp phải vẫn là mặt bằng. Giá thuê mặt bằng hiện tăng gấp 2-3 lần so với hai năm trước. Giá mặt bằng quá cao đã khiến các thương hiệu thời trang gặp khó trong mở rộng chuỗi. Trong khi, đây lại là một trong những yếu tố giúp gia tăng nhận diện thương hiệu, tiếp cận khách hàng và cân bằng doanh thu. Chính vì thế, trong cuộc chơi này có những thương hiệu mới tới và những kẻ rời bỏ cuộc chơi là hoàn toàn dễ hiểu.
Theo Duy Anh
Vietnamnet