Thói quen “thuận mua, vừa bán” gián tiếp để hàng giả lộng hành
(Dân trí) - Theo Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, việc phát hiện hàng giả không khó nhưng xử lý thì lại “vướng” quy định. Trong khi đó, thói quen giao dịch “thuận mua, vừa bán” của người tiêu dùng phần nào “tiếp tay” cho hàng giả tồn tại trên thị trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang, trong năm 2014, qua thanh, kiểm tra 70 mẫu vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như phân bón, thuốc, thức ăn chăn nuôi….thì có 10 mẫu không đạt chất lượng (trong đó có 4 mẫu kém chất lượng, 6 mẫu giả so với quy định).
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hậu Giang nhận định, các trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa vật tư nông nghiệp kém chất lượng và giả vẫn còn tiếp diễn rất phức tạp. Qua thanh, kiểm tra có rất nhiều sản phẩm phân bón trên thị trường hiện không có giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa đi kèm. Bên cạnh đó, việc phân tích mẫu chất lượng hàng hóa lại nhùng nhằng, thiếu minh bạch nên dù có thanh tra qua nhiều năm với nhiều đoàn nhưng thực trạng sản xuất, kinh doanh phân bón trên thị trường vẫn bát nháo, thật giả lẫn lộn.
Còn theo lãnh đạo Sở Công thương Hậu Giang, lâu nay hoạt động kiểm tra chất lượng hàng ngoại nhập trên thị trường bị xem nhẹ, chỉ sau khi có thông tin liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng mới bắt tay vào làm. Chính vì vậy, hiệu quả không cao và hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn có cơ hội đến tay người tiêu dùng.
Theo lãnh đạo Sở Công thương Hậu Giang, luật pháp hiện nay vẫn còn khá nhiều kẽ hở để những đối tượng cơ hội, làm ăn chụp giật lách luật, thậm chí là xé rào để làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Như khi sản xuất mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng thì họ bảo là “sản xuất mũ thời trang cho người đi bộ, đi xe đạp”. Đối với người bán, họ trưng bày “mũ bảo hiểm siêu rẻ” và toàn bán cho người đi xe máy. Nếu bị kiểm tra thì họ nói “bán mũ bảo hiểm cho người đi xe đạp, đi bộ, còn người mua sử dụng vào mục đích gì thì họ không biết”. Chính vì thế, thời điểm hiện tại các cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng trong việc tìm phương pháp xử lý những đối tượng sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng.
Cũng vì chế tài của luật chưa đủ mạnh nên việc xử lý không đủ để răn đe đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán vi phạm. Như quy định xử phạt đối với hành vi buôn bán và sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công năng thì xử phạt tính theo giá trị hàng hóa. Nhưng ở tỉnh Hậu Giang, hàng giả chủ yếu là do từ các tỉnh khác đưa về và chia nhỏ ra để bán nên giá trị không được nhiều vì thế mức xử phạt không cao.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở Công thương Hậu Giang cũng cho rằng, một tồn tại nữa là do một bộ phận người tiêu dùng phần nào gián tiếp cho hàng giả, hàng nhái tồn tại trên thị trường. Không ít người tiêu dùng biết là mua phải hàng giả nhưng vẫn chấp nhận bởi loại hàng này phù hợp với túi tiền của họ. Bên cạnh đó, do thói quen, niềm tin trong giao dịch nên phần nhiều người dân đều mua hàng hóa theo kiểu “tiền trao, cháo múc”, “thuận mua, vừa bán” nên không có giấy tờ chứng minh quá trình giao dịch, khi có chuyện gì xảy ra, người mua không có cơ sở gì để bắt người bán đền bù.
Trước những tồn tại trên, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cho rằng, các doanh nghiệp không nên buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa do mình làm ra. Các doanh nghiệp cũng không nên coi việc chống hàng giả là của cơ quan chức năng mà cần liên minh với nhau để đấu tranh chống hàng giả. Các nhà sản xuất hàng hóa cũng cần lập một cầu nối với người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, giả và bảo vệ người tiêu dùng sau khi mua hàng.
Sở Công thương tỉnh Hậu Giang khuyến cáo người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng giả như một phần để bảo vệ lợi ích của chính mình.
Còn lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cũng đưa ra khuyến nghị người dân không nên mua các sản phẩm mới lạ, không rõ nguồn gốc, không có thương hiệu để tránh mua nhầm các loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, các ngành chức năng cần đăng tải thông tin trên báo, đài các trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả để người dân đề cao cảnh giác.