Phó Thủ tướng: “Sẽ xử lý nghiêm cán bộ làm ngơ cho hàng giả”
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Hàng giả hoành hành có sự tiếp tay của một số đơn vị quản lý. Chính phủ sẽ mạnh tay, không chỉ xử lý người cố tình bao che mà còn xử lý cả người làm ngơ - không thực hiện chức năng, quyền hạn được giao.
Sáng ngày 28/11 tại buổi làm việc với Cục Quản lý thị trường, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam và đại diện của nhiều doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Chống Gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái cho biết: thực trạng hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và uy tín quốc gia.
Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: có hiện tượng 1 số đơn vị quản lý thờ ơ, tiếp tay cho hàng giả và gian lận thương mại.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Hiện đang có sự "bao che, tiếp tay" và cả việc "làm ngơ" cho hàng giả, buôn lậu của một số đơn vị thực thi nhiệm vụ. “Buôn lậu gian lận thương mại đi liền với tham nhũng tiêu cực, bao che cho đường dây trốn thuế. Một bộ phận cơ quan chức năng làm lơ tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hoạt động buôn lậu dẫn đến khi phát hiện dấu hiệu vi phạm các cá nhân này xử lý không nghiêm khắc, triệt để”, Phó Thủ tướng nói.
“Sắp tới cần phải xử lý nghiêm cả cán bộ làm ngơ, né trách nhiệm, bao che, tiếp tay hàng giả, buôn lậu. Trường hợp chủ động "bao che, tiếp tay" cho hàng giả và gian lận thương mại bị xử lý là đương nhiên, nhưng việc "làm ngơ" cho hàng giả, gian lận thương mại hoành hành đã và đang xuất hiện cần phải được xử lý nghiêm. Cán bộ biết hàng giả, hàng nhái nhưng không làm, không xử lý là có tội với dân”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, việc sản xuất buôn bán hàng giả hàng nhái diễn biến phức tạp trong khi nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng còn hạn chế, lực lượng thực thi chống hàng giả, hàng nhái còn yếu.
Hàng lậu, hàng giả chủ yếu ở các lĩnh vực như: mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, nhiều sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, nguy hại cao: đồ ăn, nước uống. Buôn lậu, gian lận thương mại này đi liền với tham nhũng và tiêu cực, bao che, cho đường dây trốn thuế, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của quốc gia, làm xấu môi trường đầu tư của Việt Nam.
Theo Cục Quản lý thị trường trong nước - Bộ Công Thương, 11 tháng qua, Quản lý thị trường đã xử 17.500 vụ, Hải quan biên giới 40 vụ là những vụ lớn. Lực lượng công an xử lý hàng trăm vụ tập trung. Đây là những “quả đấm” tập trung vào những đường dây buôn lậu, hàng giả lớn, có tác dụng ngăn đe và loại trừ.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương: Thủ đoạn sản xuất hàng giả nhái càng ngày càng tinh vi nếu dựa vào lực lượng chức năng Hải quan, Quản lý thị trường, Công an chưa đủ mà cần sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là cơ quan truyền thông. Các doanh nghiệp, người dân là những người tiêu dùng cần lắng nghe và cảnh giác với hàng gian, hàng giả để bảo vệ sức khỏe của mình cũng như người thân.
Hiện các trang thiết bị cho phòng chống hàng gian, hàng giả còn thiếu và công tác kiểm định còn khó khăn như Bộ trưởng Công Thương từng nói: “Quản lý thị trường nhiều lúc phải kiểm định phân bón bằng miệng”. Đây là khó khăn đối với các cơ quan quản lý và thực thi nhiệm vụ.
Theo ông Khánh: có hiện tượng ở hội trường thì nói mạnh nhưng về nhà lại lơ là. Cần phải trang bị kiến thức cho người dân để nhận biết hàng giả, đặc biệt là những người dân ở nông thôn - nơi được nhận định là địa bàn tiêu thụ dễ dàng và nơi trú ẩn của nhiều hàng giả. Vấn đề chống hàng giả, theo quan điểm của Bộ cần xét trách nhiệm từ chủ tịch tỉnh, huyện, xã. Nếu để xảy ra tình trạng hàng giả, phải quy trách nhiệm cho đơn vị quản lý và thực thi chức năng trên địa bàn phụ trách.