Thịt nhân tạo không thể thay được “thịt thật” ở Việt Nam
Thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội đang “rộ” thông tin về thịt làm từ thực vật đã xuất hiện tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) ở Las Vegas, Mỹ. Liệu thịt thực vật có cạnh tranh với thịt động vật chăn nuôi trong nước?
Thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội đang “rộ” thông tin về thịt làm từ thực vật đã xuất hiện tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) ở Las Vegas, Mỹ. Liệu thịt thực vật có cạnh tranh với thịt động vật chăn nuôi trong nước?
Biến khoai tây, đậu hạt, củ cải đỏ thành thịt
Thực ra, thông tin về thịt chế biến từ thực vật như các loại đậu đỏ, đậu nành, khoai tây, ngô... là vấn đề không còn mới ở Mỹ. Cách đây 1-2 năm, Công ty Công nghệ thực phẩm Beyond Meat tại California (Mỹ) đã sản xuất thành công thịt “giả” (fake) với các thành phần chính là protein đậu, dầu dừa và bột khoai tây. Màu máu tự nhiên trong thịt được dùng củ cải đỏ để thể hiện.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, nếu loài người hạn chế tối đa lượng thịt tiêu thụ mỗi năm, có thể giúp đạt được 1/4 mục tiêu giảm nhiệt độ toàn cầu xuống 2 độ C. Để thực hiện mục tiêu này, 50 nhà khoa học của công ty Impossible Foods (California, Hoa Kỳ) đã cho ra đời loại thịt có nguồn gốc từ thực vật. Thịt làm từ thực vật với nguồn gốc thiên nhiên của Impossible Foods không chỉ đảm bảo khả năng dinh dưỡng mà còn có mùi vị giống như thịt truyền thống.
Tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) ở Las Vegas (Mỹ), thịt làm từ thực vật chế biến từ protein đậu nành và bổ sung thêm hương vị đã được giới thiệu đến người tham dự triển lãm. Sản phẩm được nghiên cứu và bổ sung các thành phần để cân đối với nhu cầu tự nhiên, đảm bảo yêu cầu về dinh dưỡng để giúp con người khỏe mạnh dù không ăn thịt.
Thịt giả khó thay thế được thịt từ động vật tại Việt Nam
Trao đổi với PV – ông Nguyễn Thanh, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm lớn tại miền Đông Nam Bộ cho biết, tại Việt Nam, xu hướng ăn thịt từ thực vật sẽ chưa phổ biến. Bởi nhiều lý do: Thứ nhất, tỉ lệ thấp còi tại Việt Nam còn lớn, tỉ lệ suy dinh dưỡng cao. Thứ hai, ngành công nghiệp chế biến “thịt chay” chưa phát triển nên giá thành thịt từ thực vật còn cao.
Thứ ba, là về mặt tâm lý, phần lớn người Việt Nam e ngại với những sản phẩm được gắn thêm từ “nhân tạo”. Chính những yếu tố cơ bản trên kết hợp lại sẽ khiến thịt từ thực vật không thể cạnh tranh với thịt động vật tại Việt Nam.
“Trừ khi biến đổi khí hậu và dịch bệnh làm cho chúng ta không đủ thịt động vật để ăn, còn nói chung người Việt Nam không quen với những gì trái tự nhiên. Hơn nữa, thưởng thức thịt quả thật là thú vui, không chỉ đơn thuần ăn để giảm đói và cung cấp dinh dưỡng”- ông Nguyễn Thanh nói.
Theo bà Lê Kim Hiền (ngõ 62 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội), cho biết: Người Việt Nam đa số có trọng lượng cơ thể bình thường, ít người bị thừa cân nên không cần kiêng khem. Hơn nữa, thịt thực vật dù có làm khéo đến đâu cũng không thể có hương vị thơm ngon tự nhiên như thịt động vật, nên chắc chắn nhiều người không thích vì không quen.
“Cá nhân tôi sẽ không ăn thịt từ thực vật, vì tôi nghĩ không thể thơm ngon quyến rũ như miếng thịt từ các động vật tự nhiên. Hơn nữa, để bảo vệ môi trường, ta có nhiều cách để làm chứ không nhất thiết phải nhịn thịt" – bà Lê Kim Hiền cho hay.
Một số người khác cũng cho biết, họ không muốn đánh đổi thú vui ăn thịt bằng việc thay thế một món ăn từ rau đậu và bắt bản thân nghĩ đó là thịt.
Theo: Vũ Long
Lao động