Thiếu nhân lực, máy móc 4.0, Việt Nam gặp khó với nông nghiệp công nghệ cao
(Dân trí) - Nông nghiệp công nghệ cao gắn chặt với người nông dân, trong đó có lao động phổ thông và lao động bậc cao. Tuy nhiên, xu hướng lao động thoát ly khỏi nông thôn để làm công nghiệp, tại nhiều địa phương, thu hoạch lúa và cà phê không có lao động để thuê mướn. Thực tế này đã và đang cản trở nỗ lực hiện địa hoá, nâng cao năng suất nông nghiệp Việt Nam.
Tại Hội nghị về đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam đang diễn ra tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ, ngành cùng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam, các đại biểu đã chỉ rõ tồn tại, hạn chế để Việt Nam chuyển đổi từ nền nông nghiệp có giá trị gia tăng thấp sang nền nông nghiệp chất lượng cao, dựa trên lợi thế sẵn có.
Nông nghiệp thiếu người làm và thách thức 4.0
Một thực tế được cả Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Nguyễn Hoài Nam thừa nhận là: Do năng suất thấp, lương không cao nên lao động tại các địa phương đã thoát ly khỏi đồng ruộng, điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khi đầu tư mở rộng sản xuất nông nghiệp.
Ông Nam cho rằng: Trong khi Việt Nam chưa có những dây truyền tự động hoàn toàn để thay thế con người trong khâu sản xuất, thì lao động là yếu tố quyết định. Nhưng, hiện lao động phổ thông cũng đang là vấn đề lớn, nỗi lo của họ.
"Ngành nông nghiệp công nghệ cao gắn với nông thôn, có lao động phổ thông và lao động bậc cao. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản lại phải cạnh tranh lớn với khu vực công nghiệp về thu hút lao động ở cả bậc phổ thông và bậc cao", ông Nam nói.
Thiếu lao động bậc cao, khiến cho ngành nông nghiệp Việt Nam gặp khó ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới để phát triển, còn thiếu lao động phổ thông khiến ngay cả những công việc giản đơn của doanh nghiệp nông nghiệp cũng khó thực hiện được.
Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Thành tựu vừa qua của nền nông nghiệp Việt Nam có đóng góp vai trò lớn của hộ nông dân. Nhưng thời đại ngày nay, hộ nông dân không thể trụ được nữa. Liên kết toàn cầu thì vai trò phải là hợp tác xã, liên hiệp, liên minh doanh nghiệp lớn và nhỏ trong nông nghiệp.
Ông Nhân cho rằng: Dù thừa hưởng tiềm năng và lợi thế nhưng năng suất nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn rất thấp, đặc biệt là thiếu giống tốt, thiếu thiết bị làm đất, thu hoạch, chế biến.
Đặc biệt, thanh niên thoát ly khỏi nông thôn, nông nghiệp vì thu nhập thấp. Tình trạng này khiến mỗi đợt thu lúa, thu cà phê doanh nghiệp thiếu lao động, trong khi đó máy móc nhập từ nước ngoài thì đắt đỏ.
Ông Nhân kiến nghị: Cách mạng 4.0, Việt Nam phải nghiên cứu làm đồng ruộng thông minh, gieo cấy tự động, tưới nước, đo lượng nước tự động, phân bón thông minh tan dần theo chu kỳ tăng trưởng của cây lúa và đặc biệt phải thu hoạch và chế biến thông minh.
"Trái cây ngâm rửa, đóng gói rất mất thời gian... những khâu này có thể tự động hóa được. Chúng tôi vừa hợp tác giữa một trường Đại học của TP.HCM với các tỉnh Tây Nam Bộ, ĐBSCL để hướng tới mục tiêu là xây dựng cơ sở công nghiệp nông nghiệp và trung tâm sản xuất thiết bị cho ngành nông nghiệp", ông Nhân nói.
Phải làm bếp ăn cho người Việt trước khi nghĩ đến cái khác
Theo chia sẻ của bà Thái Hương, nguyên Chủ tịch Tập đoàn sữa TH True Milk cho biết: Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành bếp ăn của thế giới khi có nhiều nông sản, thực phẩm có chất lượng cao. Tuy nhiên, trước khi nghĩ làm được bếp ăn tử tế cho thế giới, chúng ta phải làm bếp ăn tốt cho hơn 90 triệu người Việt.
Nguyên Chủ tịch TH True Milk cho rằng: Mặc dù đầu tư nhiều tiền của để ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật cao và quy trình sản xuất, chuỗi sản phẩm của mình (hệ thống tưới tiêu, công nghệ sinh học, cây trồng, thực phẩm hữu cơ Organic...) nhưng hiện tập đoàn TH vẫn chưa nhận được ưu đãi nào về vốn khi triển khai đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.
Bà này cho rằng: "Thế giới đi vào công nghệ cao, chúng ta phải hội nhập để tồn tại, TH tiên phong ứng dụng công nghệ cao và trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đi theo định hướng vào nông nghiệp công nghệ cao".
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, các nhà đầu tư thuê đất còn khó khăn do chưa có cơ chế rõ ràng và việc thỏa thuận với người dân còn tự phát.
Bên cạnh đó, thị trường các yếu tố đầu vào ngành nông nghiệp còn yếu, như thuốc bảo vệ thực vật phải nhập gần như 100%, các thiết bị máy móc nông nghiệp, dung môi sản xuất phụ thuộc nước ngoài. Điều này khiến toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp Việt Nam thấp.
"Cho dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư nông nghiệp song chưa hợp lý, mỗi nơi một khác. Các thủ tục kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, một mặt hàng bị nhiều lần kiểm tra ở bộ; chính sách tiền kiểm đang gây trở ngại khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp", ông Dũng nhận xét.
Nguyễn Tuyền