Thiếu gia sinh năm 1992 làm Tổng giám đốc "trùm xây dựng" Hòa Bình

Mai Chi

(Dân trí) - Việc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) có tân Tổng giám đốc là một trong những thông tin đáng chú ý trên thị trường chứng khoán sáng nay (23/7).

Cụ thể, theo Nghị quyết mới được công bố, Hội đồng quản trị Hoà Bình đã bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu - con trai ông Lê Viết Hải (Chủ tịch Hội đồng quản trị) vào chức danh Tổng giám đốc thay cho ông Hải với nhiệm kỳ 2 năm kể từ ngày 23/7/2020. Ông Lê Viết Hải vẫn tiếp tục là Chủ tịch HĐQT của Hoà Bình.

Ông Lê Viết Hiếu sinh năm 1992, là Phó Tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc kiêm Thành viên HĐQT của Hoà Bình. Đây cũng là nhân sự lãnh đạo trẻ nhất của Hoà Bình. Ông Hiếu vừa mới được bầu vào HĐQT của Hoà Bình tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 24/6 vừa qua.

Thiếu gia sinh năm 1992 làm Tổng giám đốc trùm xây dựng Hòa Bình - 1

Ông Lê Viết Hiếu chính thức đảm nhiệm chức danh Tổng giám đốc Xây dựng Hoà Bình kể từ hôm nay

Quyết định này của Ban lãnh đạo Hòa Bình được cho là nhằm đáp ứng quy định tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP. Theo đó, kể từ 1/8/2020, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp cổ phần sẽ không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng giám đốc).

Theo giới thiệu của Xây dựng Hoà Bình, ông Hiếu có trình độ cử nhân quản trị kinh doanh, chuyên ngành tài chính doanh nghiệp, trường California Polytechnic State University, San Luis Obispo (Mỹ).

Ông Hiếu đã có 6 năm kinh nghiệm, trải qua nhiều vị trí từ chuyên viên tín dụng doanh nghiệp ở ngân hàng Shinhan Việt Nam đến Phó Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài của HBC và nay là Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài, Phó Tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc; Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT của tập đoàn.

Trong sáng nay, cổ phiếu HBC sáng nay giảm nhẹ 1,44% xuống mức giá 10.300 đồng/cổ phiếu. Còn trên thị trường chung, thanh khoản đang suy giảm. Theo đó, các chỉ số thiếu vắng sự hỗ trợ của dòng tiền, chỉ diễn biến loanh quanh ở ngưỡng tham chiếu.

Tạm đóng cửa phiên sáng 23/7, VN-Index mất 0,51 điểm tương ứng 0,06% còn 854,57 điểm; HNX-Index mất 1,39 điểm tương ứng 1,21% còn 113,92 điểm và UPCoM-Index cũng giảm 0,24 điểm tương ứng 0,42% còn 57,33 điểm.

Khối lượng giao dịch trên HSX lùi xuống dưới ngưỡng 200 triệu cổ phiếu, trong sáng nay chỉ đạt 119,7 triệu cổ phiếu tương ứng tổng giá trị giao dịch 1.942,24 tỷ đồng.

Tương tự, HNX có 19,64 triệu cổ phiếu tương ứng 182,53 tỷ đồng và trên UPCoM, con số này là 6,28 triệu cổ phiếu tương ứng 93,31 tỷ đồng.

Trên quy mô toàn thị trường có tới 965 mã không xảy ra giao dịch nào. Bức tranh thị trường thiên về sắc đỏ với số lượng mã giảm giá đang áp đảo. Có tổng cộng 400 mã giảm, 21 mã giảm sàn trên cả 3 sàn giao dịch trong khi chiều ngược lại chỉ có 195 mã tăng, 27 mã tăng trần.

Trong bối cảnh thị trường giằng co thì cổ phiếu lớn cũng bị phân hoá. Thị trường rõ ràng là đang thiếu vắng sự dẫn dắt của những mã đầu tàu.

Sáng nay, VRE tăng 1.300 đồng lên 28.250 đồng/cổ phiếu, VHM tăng 800 đồng lên 78.300 đồng. GAS, VIC, PLX, HVN… cũng đang tăng nhẹ. Trái lại, SAB giảm 2.300 đồng xuống còn 187.800 đồng, VNM, CTD, VPB, HPG… sụt điểm.

Theo đó, nếu như nhóm Vingroup gồm VRE, VHM và VIC là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index thì chiều ngược lại, chỉ số chính lại bị kìm hãm bởi tình trạng xảy ra tại SAB, HPG, HNG, CTG…

Dù vậy, định lượng mức độ tác động của những mã này lên VN-Index không đáng kể. Hai mã có ảnh hưởng lớn nhất là VRE và VHM cũng chỉ tác động lần lượt 0,86 điểm và 0,76 điểm đến VN-Index.

Nhìn chung, theo đánh giá của giới phân tích, phiên giao dịch hôm nay (23/7), triển vọng thị trường không mấy khả quan.

Theo BVSC, sau khi xuyên thủng xuống dưới vùng hỗ trợ quanh mốc 860 vào phiên 22/7, nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm về vùng hỗ trợ quanh mức 825-830.

BVSC lưu ý rằng, trong giai đoạn này, VN-Index được dự đoán chịu tác động bởi yếu tố liên quan đến kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp – vốn được cho là chịu ảnh hưởng tương đối tiêu cực của dịch Covid-19.

Ngoài ra, việc tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs tracking theo các chỉ số như VN30, VNDiamond và VNFinLead cũng có thể sẽ tạo ra những biến động khó lường trên thị trường.

Chuyên gia từ VDSC cũng đánh giá, mặc dù được hỗ trợ tại vùng 855 điểm nhưng thị trường đang chuyển động theo hướng tiêu cực sau giai đoạn thăm dò xu hướng ở vùng 860-878 điểm.

Do vậy, nhà đầu tư nên thận trọng và đưa tỷ trọng danh mục về mức an toàn cho đến khi thị trường có tín hiệu hỗ trợ đủ mạnh hoặc đạt vùng hỗ trợ tốt.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm