1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Ông trùm xây dựng” Lê Viết Hải ra tay kịp thời, cổ phiếu “thoát đáy”

(Dân trí) - Cổ phần của Chủ tịch Xây dựng Hoà Bình - ông Lê Viết Hải đã được huỷ bán giải chấp sau khi hoàn thành nghĩa vụ ký quỹ bổ sung. HBC thoát đáy, thị trường cũng “xanh mướt” đầu tháng 4.

Cổ phiếu lao dốc, lãnh đạo doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu

Sau khi bị bán mạnh và giảm giá nhiều phiên liên tục, cổ phiếu HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đã ghi nhận tăng giá trở lại vào phiên hôm qua (1/4). Mã này tăng giá 380 đồng tương ứng 6,31% lên 6.400 đồng, sát mức giá trần 6.440 đồng/cổ phiếu.

Tuy biên độ mất giá trong vòng 1 tháng vẫn còn lớn (giảm 37,56% giá trị), song HBC cũng đã thoát được mức đáy 6.020 đồng thiết lập phiên 31/3.

“Ông trùm xây dựng” Lê Viết Hải ra tay kịp thời, cổ phiếu “thoát đáy” - 1

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Xây dựng Hoà Bình

Trong một diễn biến mới nhất, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đã công bố văn bản khẳng định cổ phiếu của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn này sẽ không bị bán giải chấp.

Đồng thời, trên website của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng thông báo việc huỷ bán giải chấp đối với 3,15 triệu cổ phiếu HBC của ông Lê Viết Hải do ông Hải đã hoàn thành nghĩa vụ ký quỹ bổ sung theo quy định.

Trong bối cảnh giá cổ phiếu HBC và thị trường chứng khoán đi xuống thời gian vừa qua, gia đình ông Lê Viết Hải đã liên tục đăng ký gom mua.

Cụ thể, con trai ông Hải là Lê Viết Hiếu đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu HBC; anh trai ông Hải - ông Lê Viết Hưng đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu và em gái ông Hải - bà Lê Thị Anh Thư cũng muốn mua 200.000 đơn vị.

Nếu giao dịch thành công, gia đình Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình sẽ nâng lượng nắm giữ tại tập đoàn này lên 55,3 triệu cổ phiếu HBC, tương đương 23,9% vốn điều lệ.

Trong thời gian vừa qua, không chỉ ông Lê Viết Hải vướng vào rắc rối bị bán giải chấp cổ phiếu. Một nhân vật khác là ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư LDG cũng vừa mới bị Công ty chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) thông báo bán giải chấp hơn 2,5 triệu cổ phiếu LDG kể từ 31/3/2020.

Ông Hưng hiện là cổ đông lớn thứ hai tại LDG (chỉ đứng sau Tập đoàn Đất Xanh), nắm giữ 28,2 triệu cổ phiếu LDG, tương ứng 11,7% vốn điều lệ công ty.

Cổ phiếu LDG sau nhiều phiên liên tục bị bán sàn và giảm xuống đáy 4.150 đồng thì hôm qua cũng đã hồi phục nhẹ, tăng 0,24% lên 4,160 đồng/cổ phiếu.

Thị trường hồi phục mạnh đầu tháng 4

Về diễn biến thị trường chung, các sàn cơ sở đã một phiên giao dịch đầy hứng khởi và ấn tượng ngay trước kỳ nghỉ lễ 10/3 âm lịch (Giỗ Tổ Hùng Vương) và cũng là phiên khởi động tháng 4.

VN-Index đóng cửa tăng 17,7 điểm tương ứng 2,67% lên 680,23 điểm; HNX-Index tăng 2,98 điểm tương ứng 3,21% lên 95,61 điểm và UPCoM-Index tăng 0,89 điểm tương ứng 1,86% lên 48,63 điểm.

Thanh khoản đạt 267,02 triệu cổ phiếu tương ứng 3.834,17 tỷ đồng trên HSX và 32,7 triệu cổ phiếu tương ứng 266,62 tỷ đồng trên HNX. Sàn UPCoM có 9,81 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 79,07 tỷ đồng.

Thị trường được bao phủ bởi sắc xanh khi số lượng mã tăng giá hoàn toàn áp đảo. Thống kê ghi nhận có 512 mã tăng giá và 95 mã tăng trần trên cả 3 sàn HSX, HNX và UPCoM, trong khi số lượng mã giảm là 182 mã và có 52 mã giảm sàn.

Đáng chú ý, trong phiên, các mã cổ phiếu vốn hoá lớn đã phát huy được vai trò dẫn dắt. Chỉ số của rổ VN30 (30 mã tiêu biểu nhất sàn HSX) đã tăng 18,03 điểm tương ứng 2,95%, một mức tăng có phần nhỉnh hơn so với mức tăng chung của VN-Index.

Trong mức tăng chung này, VCB là mã có tác động mạnh mẽ nhất, đóng góp 3,17 điểm cho VN-Index. VIC đóng góp 2,51 điểm; VNM đóng góp 1,49 điểm, BID đóng góp 1,43 điểm và CTG đóng góp 1,17 điểm.

Theo đó, VCB hôm qua tăng giá 3.000 đồng lên 65.000 đồng; VIC tăng 2.600 đồng lên 86.000 đồng và VNM tăng giá 3.000 đồng 94.000 đồng.

Một số mã khác có mức tăng tốt là PLX tăng 2.400 đồng, MWG tăng 2.300 đồng, VJC tăng 2.000 đồng, PNJ tăng 1.700 đồng… Ngược lại, TPB, VHM lại giảm.

Phiên này, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trên 2 sàn chính là HSX và HNX trong khi mua ròng trên sàn UPCoM. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào gần 23,4 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 439 tỷ đồng trong khi bán ra hơn 30,8 triệu cổ phiếu, trị giá gần hơn 565 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt hơn 7,4 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng hơn 125 tỷ đồng.

CTG đứng đầu danh sách mua ròng trên HSX với giá trị hơn 6,7 tỷ đồng; kế đến là VCB và PLX với giá trị mua ròng đạt lần lượt 6,5 tỷ đồng và 6,3 tỷ đồng.

Ngược lại, MSN bị bán ròng mạnh, giá trị bán ròng hơn 38 tỷ đồng. HVN và VIC cũng bị bán ròng lần lượt 18,9 tỷ đồng và 14,4 tỷ đồng.

Theo dự báo của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), trong phiên giao dịch tới, thị trường sẽ có xu hướng điều chỉnh giảm trở lại do lực bán có thể được thúc đẩy từ các kháng cự ngắn hạn nói trên.

Chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại vùng 660 điểm một lần nữa hoặc dao động một vài phiên trong biên độ 660-680 điểm. Ở kịch bản xấu nếu VN-Index giảm xuống dưới 660 điểm, chỉ số này có thể kéo dài nhanh đà giảm xuống hỗ trợ sâu hơn ở 550-580 điểm.

Ngược lại, ở kịch bản khả quan nếu VN-Index vượt qua vùng 680-685 điểm, chỉ số này có thể kéo dài đà hồi phục lên vùng 710-730 điểm trước khi suy yếu trở lại để kiểm định mốc 690 điểm trên đồ thị tháng. Quan điểm của VCSC là VN-Index chưa có tín hiệu tạo đáy trung hạn.

Mai Chi