Sốc: Chủ tịch “trùm xây dựng” Hoà Bình bị bán giải chấp cổ phiếu
(Dân trí) - Trong khi thị trường chứng khoán có cú “bẻ lái” chuyển trạng thái đột ngột đầu phiên chiều, thì cổ phiếu Xây dựng Hoà Bình cũng giảm phiên thứ tư, ông Lê Viết Hải đã bị bán giải chấp cổ phiếu.
Cú “bẻ lái khét lẹt” trong phiên chiều
Thị trường khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 ngay sát các mốc tham chiếu. VN-Index chỉ còn tăng nhẹ 0,27 điểm tương ứng 0,04% lên 662,53 điểm. Trong tháng 3, VN-Index đã giảm tổng cộng 24,9% và giảm tổng cộng 31,1% trong quý I/2020.
HNX-Index giảm 0,65 điểm tương ứng 0,69% còn 92,64 điểm trong khi UPCoM-Index tăng 0,11 điểm tương ứng 0,22% lên 47,74 điểm.
Trước đó, các chỉ số đã đạt được trạng thái hồi phục mạnh vào buổi sáng, song thị trường bất ngờ có cú “bẻ lái khét lẹt” ngay khi bước vào đầu phiên giao dịch chiều.
Thanh khoản đạt 262,79 triệu cổ phiếu tương ứng 3.771,8 tỷ đồng trên HSX và đạt 49,57 triệu cổ phiếu tương ứng 337,04 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 9,47 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 96,32 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường chuyển sang nghiêng về phía các mã giảm giá. Thống kê có 385 mã giảm, 104 mã giảm sàn so với 312 mã tăng và 56 mã tăng trần.
Có thể thấy, diễn biến tích cực của VN-Index vẫn có được là nhờ sự trụ vững của một số mã lớn. VIC tăng 2.000 đồng lên 83.400 đồng; SAB tăng 1.900 đồng lên 123.000 đồng và VCB tăng 1.000 đồng lên 62.000 đồng.
Theo đó, chỉ riêng VIC đóng góp cho VN-Index 1,93 điểm; VCB đóng góp 1,06 điểm. HPG, PLX, BVH cũng tăng và nằm trong top cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến diễn biến sàn HSX.
Chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu vẫn bị bán sàn mạnh. Phiên này, cả BHN và CTD cùng giảm sàn xuống còn 44.950 đồng, thanh khoản thấp và trắng bên mua.
Cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh. VPB giảm sàn về 16.950 đồng; EIB giảm sàn về 14.650 đồng, TPB giảm sàn về 17.150 đồng; CTG, STB cũng giảm giá.
HBC của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình hôm qua giảm thêm 2,59% còn 6.020 đồng và đánh giá phiên giảm thứ 4 liên tiếp của mã này. Tính chung trong 1 tháng qua, HBC đã “bốc hơi” 41,27% giá trị và mức giá hiện tại cũng là mức giá thấp nhất của mã cổ phiếu này trong 4 năm qua.
Hôm qua, khớp lệnh tại HBC tăng đột biến lên 6,4 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch hơn 39 tỷ đồng.
Một thông tin đáng chú ý là Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) vừa thông báo về việc giải chấp cổ phiếu của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Xây dựng Hoà Bình.
Theo thông báo này, số lượng cổ phiếu HBC bị giải chấp là 3,15 triệu cổ phiếu. Thời gian bán giải chấp từ ngày 31/3. Như vậy, không loại trừ khả năng thanh khoản tại HBC tăng trong phiên hôm qua xuất phát từ hoạt động bán giải chấp.
Được biết, hiện ông Lê Viết Hải là cổ đông lớn nhất của Xây dựng Hoà Bình với khối lượng nắm giữ hơn 37 triệu cổ phiếu HBC, tương đương 16,05% vốn điều lệ của công ty.
Chứng khoán là “dịch vụ thiết yếu”
Theo Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), việc thị trường đánh mất đà tăng trong phiên sáng là do thông báo các biện pháp “cách ly toàn xã hội” trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, trong thời gian 15 ngày từ ngày 01/04/2020 trên toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh.
Chỉ thị này yêu cầu mọi người dân ở nhà và chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu và làm việc tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu.
Ngoài ra, người dân cũng phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người bên ngoài trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Cùng với việc đóng cửa các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu gần đây, các biện pháp theo chỉ thị 16 có thể ảnh hưởng đến đời sống thường ngày của người dân.
“Tuy nhiên, các biện pháp này là cần thiết nhằm phòng chống và kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19” - báo cáo của VCSC nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục hoạt động bình thường khi ngân hàng và chứng khoán là hai “dịch vụ thiết yếu” của nền kinh tế.
Mai Chi