Thiệt vì đô la hóa

Trong cơn sốt ngoại tệ diễn ra trên thị trường, người dân gặp phiền toái bởi nhiều dịch vụ, hàng hóa yêu cầu chỉ thanh toán bằng USD hoặc nhận VND theo giá trị quy đổi tại thời điểm giao dịch.

Thiệt vì đô la hóa  - 1
Giao dịch và thanh toán bằng đồng USD khá phổ biến trên thị trường.
 
Gần đây, nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án tòa nhà hỗn hợp Hattoco (Hà Nội) đã có đơn gửi các cơ quan chức năng về việc chủ đầu tư tự quy đổi giá mặt bằng thành USD khiến mỗi căn hộ đội thêm vài chục triệu đồng.

Trước đó, hợp đồng đã ký giữa hai bên tính giá bán căn hộ bằng VND nhưng trong điều khoản hợp đồng lại quy định giá tại thời điểm thanh toán hết tiền mua và bàn giao nhà có thể tăng hoặc giảm phụ thuộc sự biến động của tỉ giá.

Thói quen tiêu dùng

Trên đây chỉ là một trong những trường hợp rất phổ biến ở thị trường. Cuối năm ngoái, tình trạng công khai rao bán nhà đất bằng USD được báo chí phản ánh, sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các chi nhánh tăng cường kiểm tra hành vi niêm yết giá bằng ngoại tệ của một số doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 đã dành cả một chương để quy định việc quản lý ngoại hối theo hướng từng bước hạn chế đô la hóa, tiến tới thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng VND. Theo đó, nghiêm cấm triệt để các giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo bằng ngoại tệ giữa tổ chức, cá nhân; hạn chế đến chấm dứt việc các tổ chức được bán hàng, cung cấp dịch vụ thu ngoại tệ.

Năm 2008, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 107/CP quy định xử phạt hành chính về giá, trong đó có vấn đề niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ không có giấy phép.

Thế nhưng trong thực tế, việc mua bán hàng hóa bằng USD đã phổ biến đến mức chính bên bán và bên mua cũng không biết mình phạm luật. Ngay cả Cục Quản lý thị trường, một trong những cơ quan có thẩm quyền xử phạt, cũng hầu như không kiểm tra nội dung này mà chỉ tập trung vào các sai phạm chung về giá và xuất xứ hàng hóa. Trên các phương tiện truyền thông cũng hầu như không có thông tin về kết quả xử lý vi phạm niêm yết giá bằng ngoại tệ.

Tạo niềm tin vào VND

Về mặt pháp luật, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định 169/CP sửa đổi việc xử lý các vi phạm hành chính về giá, trong đó bổ sung hành vi niêm yết giá bằng ngoại tệ. Như vậy, pháp luật đã quy định khá chặt chẽ song theo các chuyên gia kinh tế, đó mới chỉ là điều kiện cần, chưa đủ để hạn chế tình trạng đô la hóa đang diễn ra phổ biến. Nếu chỉ áp dụng các quy định về mặt hành chính sẽ không có hiệu quả mà quan trọng phải là chất lượng công tác điều hành vĩ mô, làm sao để đồng Việt Nam mạnh lên, dần làm thay đổi tâm lý tiêu dùng.

Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho biết đầu những năm 1990, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng người Đức nhận định Việt Nam cho phép người dân gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ và rút bằng ngoại tệ là sai lầm. Như thế nghĩa là không còn thực thi được chính sách tiền tệ và phụ thuộc vào sự điều chỉnh của USD.

Khoảng 5-6 năm sau, một chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam điều tra về tình trạng đô la hóa nhận xét tài khoản tiền gửi bằng ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp tại ngân hàng đã tăng lên. Đó là một biểu hiện của quá trình giảm đô la hóa. Ngoại tệ từ chỗ nằm không chính thức đã “chui” vào ngân hàng, tức là đã được chính thức hóa. Từ đó, muốn người dân bán ngoại tệ lấy VND, phải duy trì được tỉ giá ổn định, hợp lý. Nguyên tắc là phải làm cho đồng nội tệ tương đối ổn định, lạm phát phải duy trì ở mức thấp để họ giảm bớt việc nắm giữ tiền khác.

“Phải tạo niềm tin vào VND, người dân mới từ bỏ đồng tiền khác. Đây là con đường duy nhất” - ông Lê Đức Thúy nhấn mạnh.

Theo Phương Anh
NLĐ