1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thích hay không, hàng Trung Quốc cũng tràn ngập thị trường

(Dân trí) - Các nhà sản xuất Trung Quốc có lợi thế mà khó quốc gia nào cạnh tranh nổi, đó là có thể đáp ứng được khối lượng đơn hàng khổng lồ trong thời gian chỉ rất ngắn mà chi phí vô cùng thấp. Đó là lý do giới sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam ồ ạt sang Trung Quốc nhập từ sợi vải cho đến ô tô, máy móc.

Vẫn còn chênh lệch lớn về số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc
Vẫn còn chênh lệch lớn về số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc

3,4 tỷ USD hàng hóa "tàng hình" giữa biên giới Việt - Trung trong 2 tháng?

Trong một báo cáo gần đây của Bộ Công Thương, cơ quan này đã cho thấy, tiếp tục có những bất nhất trong số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa cơ quan hải quan Việt Nam và Trung Quốc về tình hình thương mại song phương.

Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch thương mại song phương giảm 8,25% so với cùng kỳ 2015, đạt trên 8,89 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 10,38% (đạt 2,44 tỷ USD) và nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 13,69% (đạt 6,54 tỷ USD). Như vậy, tính chung 2 tháng, mặc dù Việt Nam vẫn nhập siêu từ Trung Quốc 4,09 tỷ USD nhưng đã giảm 23,62% so với cùng kỳ năm 2015.

Con số thống kê này có độ "vênh" nhất định với phía Trung Quốc. Cụ thể, theo số liệu thống của Tổng cục Hải quan Trung Quốc thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Trung Quốc - Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 lại đạt 12,27 tỷ USD (cao hơn 3,38 tỷ USD so với thống kê của Việt Nam).

Trong đó, Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đạt 7,58 tỷ USD, giảm 22,2% so cùng kỳ (cao hơn 1,04 tỷ USD so với thống kê của Hải quan Việt Nam) và Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam 4,68 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ (cao hơn gần gấp đôi so với thống kê của Việt Nam).

Như vậy, theo thống kê của Hải quan Trung Quốc thì trong 2 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc xuất siêu sang Việt Nam 2,9 tỷ USD và tỷ lệ giảm là tới 97,1% so với cùng kỳ chứ không phải chỉ giảm gần 24% như thống kê của phía Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề "vênh" số liệu giữa hai nước được nêu ra. Trong năm 2014, số liệu xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhập khẩu của Trung Quốc 5 tỷ USD, số liệu nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn xuất khẩu của Trung Quốc 20 tỷ USD. Nguyên nhân được giải thích là do phương pháp thống kê và buôn lậu, gian lận thương mại.

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, ông Phạm Sỹ Thành - Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) của VEPR cũng cho rằng: "Chúng ta chưa bao giờ có được số liệu về hàng lậu và hàng tiểu ngạch từ phía Trung Quốc tuồn vào Việt Nam". Đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao người Việt "mở mắt ra là thấy hàng Trung Quốc".

Hội nhập sâu không giúp Việt Nam giảm nhập từ Trung Quốc

Nói về hiện tượng Việt Nam tăng xuất và giảm nhập từ Trung Quốc trong hai tháng đầu năm, ông Thành cho biết, chủ yếu là do tính mùa vụ. Hai tháng đầu năm là hai tháng Tết, lượng tiêu thụ nông sản và thực phẩm từ phía Trung Quốc rất lớn nên Việt Nam tăng xuất trong khi các doanh nghiệp ít nhập khẩu hàng linh phụ kiện hơn.

Theo vị chuyên gia, hai tháng đầu năm rất khó để nói lên điều gì đó. Ông Thành lưu ý rằng, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc chủ yếu là do nhập máy móc, thiết bị. Không chỉ doanh nghiệp nội mà doanh nghiệp FDI, các tổng thầu cũng nhập máy móc, linh kiện từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất, vận hành. Có thể giai đoạn 2 tháng đầu năm rơi vào dịp Tết nên các doanh nghiệp thường "nghỉ ngơi", dẫn đến giảm nhập những hàng hóa này.

Hàng tiêu dùng mặc dù chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 10% nhập khẩu từ Trung Quốc song về con số tuyệt đối cũng đã lên tới 4,9 tỷ USD. So với quy mô nhỏ bé của thị trường Việt Nam thì 4,9 tỷ USD đủ để nhập hàng tiêu dùng cho 90 triệu dân, đó là chưa kể một lượng rất lớn hàng hóa đi qua tiểu ngạch và từ buôn lậu.

Thích hay không, hàng Trung Quốc cũng tràn ngập thị trường - 2

Cũng theo ông Phạm Sỹ Thành, kể cả khi Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các đối tác phát triển thì cũng rất khó để thay đổi tình trạng nhập khẩu từ Trung Quốc, vì bản chất là những hiệp định này chỉ giúp Việt Nam tăng xuất chứ không giảm nhập. Hơn nữa, "các FTA mà Việt Nam ký chủ yếu là các FTA chất lượng cao, cao vời vợi".

"Người ta nói sẽ có sự chuyển hướng nhập từ Ấn Độ, Bangladesh, hay hình thành chuỗi sản xuất trong TPP, nhưng những tiêu chí như chi phí, khả năng đáp ứng trên quy mô lớn và đúng hạn thì Trung Quốc vẫn có ưu thế rất lớn. Trong 5 - 7 năm tới thì câu chuyện này vẫn rất nan giải", ông Thành đánh giá.

Theo vị chuyên gia, Trung Quốc có thể đáp ứng được khối lượng đơn hàng khổng lồ trong thời gian chỉ rất ngắn mà chi phí lại thấp, điều này Ấn Độ và hầu hết các đối tác khác không làm được. Chưa kể là chi phí về vận tải giữa hai bên lại tiết kiệm, cho nên không phải cứ vào được TPP là sẽ có được sự thay đổi đáng kể trong thực tế.

Ngoài ra, chuyên gia Phạm Sỹ Thành cũng "lật bài ngửa" rằng, bản chất là nhà sản xuất ở Việt Nam đang đi tìm nhà cung ứng Trung Quốc chứ không phải phía Trung Quốc đến chào hàng Việt Nam.

"Ở vào vị trí nhà sản xuất, chúng ta mới thấy rằng Trung Quốc họ không tự đi tìm nhà sản xuất Việt Nam vì dung lượng thị trường Việt Nam so với nguồn cung khổng lồ của họ là rất khiêm tốn. Họ là công xưởng của cả thế giới, cung cấp nguyên vật liệu, linh phụ kiện và cả hàng tiêu dùng cho toàn cầu chứ không riêng gì thị trường Việt Nam nhỏ bé. Một mình Trung Quốc sản xuất 90% lượng giày thế giới thì họ quan tâm gì đến lượng 1 - 2% cung cấp cho Việt Nam? Còn việc hàng Trung Quốc vì sao rẻ như vậy thì đó lại là một câu chuyện khác ở một phạm trù khác", ông Thành chia sẻ.

Còn về phía người kinh doanh Việt Nam, dù là nhà sản xuất hay phân phối thì họ cũng chỉ quan tâm đến tính kinh tế chứ họ sẽ không quan trọng là nguồn hàng Trung Quốc hay không Trung Quốc, đó là thực tế mà chúng ta phải thừa nhận, vị chuyên gia kết luận.

Bích Diệp

Thích hay không, hàng Trung Quốc cũng tràn ngập thị trường - 3