Xe Thái "áp đảo" xe Hàn, Trung Quốc nhập về Việt Nam

(Dân trí) - Xe Thái Lan đã vượt qua Hàn Quốc, Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất vào Việt Nam trong quý I/2016 với 7.800 chiếc so với 3.560 chiếc của Hàn Quốc và 2.260 chiếc của Trung Quốc.

Số liệu trên vừa được Tổng cục Hải quan đưa ra trong báo cáo tình hình xuất nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2016.

So với tổng số xe nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2016 mà Hiệp hội các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA) công bố là 13.000 chiếc, thì số xe nhập từ Thái Lan về Việt Nam chiếm hơn 60%, con số này tăng mạnh so với các năm trước.

Xe Thái đang ngày càng chiếm thị phần lớn trong các dòng xe nhập khẩu về Việt Nam (ảnh minh họa)
Xe Thái đang ngày càng chiếm thị phần lớn trong các dòng xe nhập khẩu về Việt Nam (ảnh minh họa)

Theo đại diện của hãng chuyên nhập xe phân phối về Việt Nam, xe Thái Lan nhập về Việt Nam chủ yếu là dòng xe du lịch cỡ nhỏ 4 - 7 chỗ và các dòng xe pickup (xe bán tải) đang được nhiều người ưa chuộng. Trong khi đó, xe nhập từ Trung Quốc, chủ yếu là dòng xe tải, xe chuyên dụng. Xe nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ, xe khách…

Trong năm 2015, xe ô tô các loại (xe tải, xe du lịch, xe khách, xe chuyên dụng) nhập từ Trung Quốc về Việt Nam chiếm số lượng lớn nhất với hơn 26.700 chiếc, tăng gần 95%. Xe Hàn Quốc là hơn 26.500 chiếc, tăng gần 60% và xe Thái Lan là hơn 25.000 chiếc, tăng 74,4% so với năm 2014.

Từ năm 2014, các hãng xe ô tô giá rẻ từ Ấn Độ cũng đã bắt đầu tấn công mạnh vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là xe ô tô du lịch 9 chỗ ngồi trở xuống, với hơn 25.000 chiếc, chiếm gần 50% lượng xe loại 9 chỗ ngồi vào Việt Nam, trở thành thị trường xe nhập lớn thứ 4 của Việt Nam.

Hiện, có hai dòng thuế ảnh hưởng đến sức mua và thị trường xe ô tô Việt Nam là: thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế nhập khẩu hiện đã giảm theo lộ trình đối với các dòng xe đến từ ASEAN. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt có giảm nhưng chỉ ở các dòng xe dung tích xi lanh nhỏ.

Hiện mức thuế nhập khẩu ô tô được xếp vào mặt hàng có độ nhạy cảm cao (HCL) do đó các nước có lộ trình giảm thuế theo thời gian nhất định. Riêng 6 nước có trình độ phát triển cao hơn là: Singapore, Thái Lan, Brunei, Malaysia, Indonesi và Philippines sẽ bỏ thuế quan mặt hàng ô tô từ năm 2014, các nước còn lại gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar sẽ đồng loạt bỏ thuế quan đối với ô tô nhập khẩu trong nội khối AEC vào năm 2018.

Theo Thông tư số 165/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/1/2015 về biểu thuế áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN sẽ giảm từ 50% năm 2015 xuống còn 40% năm 2016. Tương tự, các năm sau sẽ là 30% năm 2017 và về 0% vào 2018.

Được biết, ngày 6/4/2016, Quốc hội đã thông qua Luật về Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nhiều mặt hàng, trong đó có ô tô. Cụ thể, xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích 1.500 cm3 thuế TTĐB sẽ giảm từ 45% xuống còn 40% từ ngày 1/7/2016 và xuống 35% từ ngày 1/1/2018.

Các dòng xe từ 1.500 cm3 - 2.000 cm3 giảm thuế TTĐB từ 45% như hiện nay xuống 40% vào ngày 1/1/2018. Riêng dòng xe 2.000 cm3 - 2.500 cm3 giữ nguyên thuế TTĐB 50%. Các dòng xe trên 2.500 cm3 sẽ có lộ trình nâng dần thuế TTĐB lên 5% sau mỗi năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2017 từ mốc 50% hiện nay...

Trước đó, VAMA vừa đưa ra báo cáo bán hàng tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2016, trong đó riêng tháng 3/2016, cả nước tiêu thụ hơn 24.800 chiếc ô tô, tăng gấp đôi so với tháng trước và hơn 30% so với cùng kỳ. Quý I/2016 tiêu thụ xe cả nước đạt hơn 56.000 chiếc, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước (40.800 chiếc).

Nguyễn Tuyền

Xe Thái "áp đảo" xe Hàn, Trung Quốc nhập về Việt Nam - 2