Thị trường vàng thiếu kênh xả lũ

Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhu cầu mua bán vàng miếng của người dân vẫn được đáp ứng, các thương hiệu vàng phi SJC vẫn được mua bán trong hơn 7 tháng nữa.

Thị trường vàng thiếu kênh xả lũ
Các thương hiệu vàng phi SJC vẫn được mua bán trong hơn 7 tháng nữa.
 
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định này vẫn chưa thể giải quyết triệt để những bất cập của thị trường vàng.

 

Mua, bán vàng miếng sẽ vẫn dễ dàng

 

Sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) ra đời, người dân sở hữu vàng SJC lo lắng kéo nhau đi bán vàng vì sợ không còn được phép giao dịch sau ngày 25/5 -  thời điểm Nghị định có hiệu lực. Còn doanh nghiệp đang kinh doanh vàng miếng thì phấp phỏng không biết sẽ xử lý số vàng tồn như thế nào sau thời điểm trên.

 

Trước băn khoăn của dư luận, cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông điệp, tất cả các loại vàng miếng, bao gồm cả vàng miếng SJC và vàng miếng khác thuộc sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ,  được mua bán, trao đổi tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sau thời hạn chuyển tiếp do NHNN quy định.

 

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN cũng khẳng định,   thời hạn chuyển tiếp đối với các đơn vị đang kinh doanh mua, bán vàng miếng tối thiểu là 6 tháng. Như vậy, doanh nghiệp có ít nhất 7 tháng rưỡi (kể từ khi Nghị định 24 được ký ban hành) để tiếp tục kinh doanh mua, bán vàng miếng và có thời gian hoàn tất thủ tục xin cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc chuẩn bị chuyển hẳn sang sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại Nghị định.

 

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 24, dù thời gian tới, vàng miếng trở thành độc quyền nhà nước, nhưng mạng lưới kinh doanh, mua bán vàng miếng vẫn sẽ rất rộng rãi, rất thuận lợi cho người dân. Bởi lẽ, ngoài các điểm mua, bán của các doanh nghiệp vàng miếng, các tổ chức tín dụng cũng được tham gia. Hiện chỉ riêng số điểm giao dịch của một số ngân hàng tham gia hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng đã lên tới hàng nghìn điểm. Trong tương lai, rất có thể đa số ngân hàng và 5 công ty vàng bạc lớn hiện nay đều được tham gia kinh doanh vàng miếng.

 

Nghị định 24 ra đời được các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đánh giá rất cao. Ông Phí Đăng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho rằng, độc quyền nhà nước trong kinh doanh vàng miếng là cần thiết, vì vàng là tiền. Trên thế giới các nước đã quản lý theo hình thức này từ lâu.

 

Trong khi đó, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cũng kỳ vọng, sự độc quyền nhà nước về vàng sẽ chấm dứt được nạn đầu cơ, chấm dứt sự chênh lệch vô lý giữa giá vàng trong nước và thế giới kéo dài nhiều năm qua.

 

Thiếu “kênh xả lũ”

 

Đánh giá cao Nghị định 24, song nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn băn khoăn, thậm chí thất vọng khi nghị định không hướng dẫn, quy định rõ hơn về kinh doanh vàng tài khoản. Hoạt động kinh doanh vàng tài khoản được hiểu nằm trong cụm từø ”kinh doanh khác”, doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi được Thủ tướng chính phủ cho phép.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam băn khoăn: “Theo Nghị định 24, kinh doanh vàng tài khoản phải được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ. Vậy để được kinh doanh vàng tài khoản thì xin phép thế nào, xin ai, gửi về NHNN hay gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ? Tôi cho rằng, đây là vấn đề vướng nhất hiện nay mà Nghị định 24 còn bỏ ngỏ. Hạn chế kinh doanh vàng vật chất là con đường đúng đắn, nhưng muốn vậy phải mở kênh giao dịch phi vật chất để người dân có kênh, có hành lang pháp lý để đầu tư, còn nhà nước có thể kiểm soát, giám sát, hướng dẫn tránh rủi ro. Nếu chỉ cho kinh doanh vàng miếng, huy động vàng miếng mà không cho kinh doanh vàng tài khoản là thiếu kênh xả lũ”.

 

Chia sẻ ý kiến này, TS. Lê Thẩm Dương, Đại học ngân hàng TP.HCM cho rằng, không cho phép kinh doanh vàng tài khoản sẽ khiến Nhà nước không thể dẹp bỏ sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, nhất là khi giá vàng thế giới tăng đột ngột, nguồn cung không kịp đáp ứng.

 

Điều quan trọng nhất mà nhiều người lo ngại, là nếu thiếu sân chơi chính đáng cho nhà đầu tư, mục đích hạn chế kinh doanh vàng vật chất, huy động vàng trong dân khó trở thành hiện thực, người dân chỉ chuyển từ thương hiệu vàng này sang thương hiệu vàng khác.

 

Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần dự đoán, NHNN sẽ cho phép 5 doanh nghiệp và hơn 30 ngân hàng hiện nay được mua, bán vàng,  và cũng chừng này đơn vị được kinh doannh vàng tài khoản. Tuy nhiên, các đơn vị này chỉ được kinh doanh vàng tài khoản tại nước ngoài để cân bằng trạng thái, giảm rủi ro. Còn người dân vẫn không được kinh doanh vàng tài khoản.

 

Thống đốc NHNN từng khẳng định, hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản trước đây chủ yếu đem lại lợi nhuận cho một nhóm nhỏ doanh nghiệp, còn đa phần người dân đều thua lỗ. Đây chính là lý do NHNN tiếp tục hạn chế kinh doanh vàng tài khoản thời gian tới.

Trong thời điểm kinh doanh vàng tài khoản chưa khả được phép, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cần tạo ra một “chợ” để người dân có thể mua bán, trao đổi các chứng chỉ vàng.  Hy vọng, “chợ chứng chỉ” này sẽ được quy định rõ ràng trong Đề án huy động vàng thời gian tới.

 

Theo Hà Tâm

Đầu tư