Thị trường chứng khoán: Giá cao chưa hẳn đã nóng
Đóng cửa thị trường ngày 4/1, nhóm 5 cổ phiếu có thị giá cao nhất bao gồm SJS (576.000 đồng), FPT (472.000 đồng), DHG (256.000 đồng), TDH (182.000 đồng) và HRC (179.000 đồng). Đây là những cổ phiếu có mức tăng giá khá liên tục và nhanh.
Theo ý kiến của một chuyên gia, nhóm cổ phiếu này đang có sức hấp dẫn lớn nhưng nhà đầu tư cũng nên thận trọng trước những phiên điều chỉnh có thể xảy ra.
Với mức khớp lệnh cuối ngày đạt 576.000 đồng, cổ phiếu SJS của Công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà tiếp tục lập kỷ lục về giá. Trong khoảng hơn một tháng gần đây, SJS tăng giá gần như liên tục từ mức 250.000đồng/cổ phiếu. Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến nhu cầu mua SJS tăng cao là tỉ lệ chia cổ phiếu theo tỉ lệ 1 cổ phiếu cũ được hưởng 3 cổ phiếu mới.
Tại mức giá như hiện nay, việc chia cổ phiếu là một sức hút lớn đối với nhà đầu tư. Theo số liệu của TTGDCK TPHCM, chỉ số thu nhập trên cổ phần (EPS) của SJS 4 quý gần nhất khá cao, đạt trên 44 lần, tương đương chỉ số giá trên thu nhập (P/E) là 12,98 lần.
Cổ phiếu FPT, một trong những hiện tượng của thị trường chứng khoán Việt Nam khi được giao dịch phiên đầu tiên gấp 40 lần mệnh giá, đã phục hồi trở lại mức 472.000đ/cổ phiếu. Trong 10 phiên giao dịch gần đây, giá FPT khá “phập phù” khi tăng - giảm rất nhanh.
Xu hướng giao dịch của FPT cho thấy sự phân hoá khá mạnh trong các nhà đầu tư: Nhóm nhà đầu tư cho rằng FPT đang “được giá” đẩy mạnh bán ra thu lợi trong khi nhóm mua vào lại cho rằng mức giá này vẫn còn hợp lý. Các chỉ số tài chính của FPT hiện được cho là không còn hấp dẫn nữa khi P/E đã lên tới 77,11 lần, nằm trong nhóm chỉ số cao nhất thị trường.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn, chỉ số P/E là một căn cứ để đánh giá cổ phiếu. P/E thường là gắn với những thông tin quá khứ trong khi đầu tư vào cổ phiếu là đầu tư vào tương lai. Mặt khác, tuỳ từng doanh nghiệp mà nhà đầu tư có những đánh giá về P/E khác nhau.
Một doanh nghiệp có mức giá hiện tại (P) cao nhưng có tiềm năng phát triển trong tương lai thì nhà đầu tư vẫn có thể chấp nhận. Chẳng hạn với FPT, nếu đánh giá Công ty này là một doanh nghiệp buôn điện thoại di động thì P/E tới trên 77 lần là quá cao nhưng nếu dưới góc độ một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì có nhà đầu tư vẫn chấp nhận. Nghiên cứu kỹ thông tin về hoạt động của doanh nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn chính xác hơn.
Đầu tư trên thị trường chứng khoán là đầu tư cho tương lai nên một trong những vấn đề được nhà đầu tư quan tâm hàng đầu là cơ hội tăng trưởng, mà cụ thể là những dự án, kế hoạch hoạt động có tiềm năng. Đây cũng chính là điểm mà các doanh nghiệp thường sử dụng để phác hoạ những bức tranh tương lai. Chẳng hạn với SJS là các dự án bất động sản lớn hay với FPT là các dự án viễn thông, công nghệ hay xuất khẩu phần mềm...
Tuy nhiên, việc đánh giá giá trị thực sự của những bức tranh này phụ thuộc vào khả năng phân tích của mỗi nhà đầu tư. Các quan điểm khác nhau sẽ đưa ra một ngưỡng giá có thể chấp nhận khác nhau.
Theo ông Hưng, một trong những căn cứ mà nhà đầu tư nên quan tâm là khối lượng giao dịch. Tại một mức giá nào đó, khối lượng giao dịch lớn chứng tỏ mức giá đó được số đông nhà đầu tư cho là hợp lý. Ngược lại, khối lượng giao dịch thấp chứng tỏ mức giá ít được chấp nhận.
Ngoài các giá trị thực của doanh nghiệp, thị trường hiện còn bị chi phối bởi yếu tố cung cầu và đây chính là động lực tạo nên những biến động giá cổ phiếu. Khi lượng chào mua quá mạnh giá sẽ được đẩy lên theo đúng quy luật cung cầu và đạt mức độ cân bằng tại một thời điểm nào đó, giá bắt đầu ổn định.
Nếu diễn biến bán ra quá mạnh vượt nhu cầu mua thì giá có chiều hướng đi xuống. Việc xác định giá cổ phiếu thế nào là hợp lý tuỳ thuộc vào chủ quan của nhà đầu tư. Do đó khả năng điều chỉnh hoàn toàn có thể xảy ra và rất khó đoán trước.
Theo Nguyễn Hoàng
Báo Lao động