1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thép Trung Quốc thương hiệu Việt có phá sản xuất trong nước?

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, Công ty Thép Việt Ý (VIS) đã đặt một doanh nghiệp thép Trung Quốc sản xuất 5.000 tấn thép cây mang thương hiệu VIS và sẽ nhập khẩu về Việt Nam để bán. Điều này đang làm cho nhiều doanh nghiệp thép trong nước lo ngại sẽ gây ảnh hưởng tới sản xuất thép trong nước.

Hồn Trương Ba - Da hàng thịt: Liệu có ổn?

 

Theo Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, hiện nay giá phôi thép của Trung Quốc bán sang Việt Nam đang ở mức 480 - 490USD/tấn. Với phôi này phải thêm chi phí từ 30 - 50 USD/tấn mới ra thép thành phẩm, trong khi thép thành phẩm bán tại Trung Quốc hiện đang thấp hơn giá phôi bán sang Việt Nam khoảng 50 USD.

 

Chính vì vậy, việc nhập phôi thép về cán thép giá thành sẽ cao, trong khi đặt doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất thép cây, gắn thương hiệu của mình vào nhập về Việt Nam bán sẽ có giá rẻ hơn rất nhiều.

 

Trong Công văn số 88/CT/TT - TGĐ ngày 24/2/2007 do ông Đinh Văn Vì, TGĐ Công ty Thép Việt Ý trả lời Hiệp hội thép cũng đã thừa nhận điều này: “Hiện nay, do giá phôi nhập khẩu chào bán cao hơn so với thép thành phẩm, do vậy, chúng tôi đang quan tâm đến việc thuê các công ty có uy tín của nước ngoài sản xuất thép cho chúng tôi để tham gia bình ổn giá trong nước theo đúng định hướng của Hiệp hội thép và Chính phủ”.

 

Sản xuất thép trong nước có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nếu các doanh nghiệp góp thương hiệu rồi nhập thép cây từ Trung Quốc về bán.

 

Thép cây Trung Quốc có giá rẻ nhưng thời gian qua vẫn không thể  thâm nhập được thị trường Việt Nam là do vấn đề thương hiệu. Người tiêu dùng Việt Nam vốn vẫn quen với các thương hiệu thép cây trong nước và không quen dùng thép cây mang thương hiệu Trung Quốc. Nay nếu thép cây Trung Quốc lại mang các thương hiệu của các doanh nghiệp thép Việt Nam thì sẽ tràn vào thị trường Việt Nam và sẽ tác động tiêu cực tới sản xuất thép trong nước.

 

Hiệp hội Thép Việt Nam đã  tổ chức họp với các doanh nghiệp thành viên về vấn đề này. Tại cuộc họp, ông Lê Ngọc Sơn, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế  Công ty Thép Việt Ý cho biết có 4 lý do chính để Việt Ý  đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc là:

 

Thứ nhất, giá phôi thép trong nước đang tăng một cách chóng mặt. Có giai đoạn, giá phôi tại Trung Quốc  thấp hơn giá phôi tại Việt Nam tới 500.000 đồng/tấn, sản xuất trong nước sẽ vô cùng khó khăn. Vì thế, Việt Ý muốn đa dạng hóa phương án kinh doanh, giảm thiểu rủi ro.

 

Thứ hai, do thế giới gây áp lực buộc Trung Quốc giảm sản xuất, nhằm tránh ô nhiễm môi trường và Trung Quốc đã đóng cửa hàng loạt nhà máy nhỏ có công suất dưới 2 triệu tấn/năm và điều này đã hạn chế nguồn cung, dẫn đến giá bán rất khả quan.

 

Thứ ba, thị phần thép xây dựng của Việt Ý chỉ khoảng 180.000 tấn/năm nên không hề ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác.

 

Thứ tư, hiện trong nước chưa sản xuất được thép C3 vì không đảm bảo được mặt cơ lý tính, nên Việt Ý chỉ  đặt sản xuất loại C3 đường kính lớn cung cấp cho các công trình xây dựng cao tầng thuộc khách hàng của mình.

 

Nhưng 4 lý do mà Việt Ý đưa ra đều bị các doanh nghiệp sản xuất thép phản đối.

 

Có nên cho “Sói gửi nhờ chân?”

 

Ông Phạm Chí Cường cho rằng rất nhiều các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được thép C3. Cụ thể các công ty như Gang thép Thái Nguyên, Pomina (Thép Việt), Vinakyoei (Việt Nhật) đều đã sản xuất được thép C3 chứ không phải chưa sản xuất được như Việt Ý nói.

 

Trưởng phòng Quy hoạch kế hoạch Công ty thép Pomina - Phạm Phú Châu - cho rằng một đơn hàng 5.000 tấn của Việt Ý sẽ chưa ảnh hưởng trước mắt nhưng về lâu dài thì đó là hiểm họa cho cả ngành thép. Nếu Việt Ý nhập về bán giá thấp hơn thép trong nước, đương nhiên sẽ tiêu thụ mạnh và như vậy sẽ không có chuyện chỉ có 180.000 tấn/năm như họ nói, mà có khi gấp vài ba lần như vậy.

 

Bởi khi đó Việt Ý có sản xuất đâu mà nói năng lực tới hạn. Nhu cầu cần bao nhiêu họ chỉ cần nhập về là xong. Chính phủ phải ngăn chặn ngay việc này. Đây không thể coi là sản phẩm  gia công vì muốn gia công thì Việt Ý phải đưa nguyên liệu sang Trung Quốc. 

 

Ông Hoàng Văn Tòng, Phó Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên cho biết, trong thời gian qua chúng tôi cũng nhận được nhiều đề nghị từ phía các doanh nghiệp thép Trung Quốc góp thương hiệu, sản xuất hàng loạt rồi nhập khẩu trở lại Việt Nam nhưng chúng tôi đã khước từ. Nếu tất cả các doanh nghiệp cũng làm như Việt Ý thì ngành thép Việt Nam sẽ như thế nào?

 

Các doanh nghiệp thép khác như Công ty Nam Đô, Công ty Vinakansai - Vinashin... đều khẳng định, họ đã được phía Trung Quốc chào mời góp thương hiệu sau đó nhập khẩu trở lại Việt Nam nhưng hầu hết các doanh nghiệp này đều từ chối.

 

Ông Trần Anh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh (Bộ Thương mại) khẳng định: “Theo Điều 178 Luật Thương mại, đã là gia công thì chỉ sử dụng 1 hoặc một số công đoạn trong quá trình sản xuất”. Nhưng trên thực tế, sản phẩm thép C3 của Việt Ý sản xuất tại Trung Quốc sử dụng 100% nguyên liệu đầu vào và chỉ gắn mác VIS.

 

Ông Sơn cho rằng: “Thực tế này khiến tôi không hình dung nổi điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả các nhà sản xuất khác của tất cả các ngành công nghiệp trong nước thay vì mua nguyên liệu về sản xuất tại Việt Nam thì chỉ cần mang thương hiệu ra nước ngoài, sử dụng 100% nguyên liệu, nhân công, công nghệ của họ sản xuất ra hàng hóa sau đó nhập khẩu trở lại Việt Nam?”.

 

Cũng theo ông Sơn, Chính phủ đã có những quy định khá rõ tại Công văn số 548/CP - KTTH ngày 7/6/1999 v/v đặt gia công tại nước ngoài: “Nếu hàng đặt gia công tại nước ngoài nhập khẩu trở về Việt Nam thì chỉ cho phép đặt gia công công đoạn sản xuất mà doanh nghiệp không thực hiện được tại Việt Nam, do thiếu công nghệ trong nước”.

 

Tuy nhiên, đại diện của Việt Ý lại cho rằng có một văn bản khác còn mới hơn Công văn 548 của Chính phủ và sẽ xuất trình khi thấy cần thiết.

 

Ông Nguyễn Văn Thắng - chuyên viên Vụ Cơ khí  Luyện kim và Hoá chất (Bộ Công nghiệp) cho rằng, đây chỉ là cách “sói gửi nhờ chân”. Thông qua góp thương hiệu, sản phẩm ngoại nhập bán rẻ sẽ thôn tính dần thị phần và bóp chết sản xuất trong nước.

 

Một số doanh nghiệp thép đã cho biết nếu Việt Ý làm được chuyện này thì chúng tôi cũng sẽ làm được, chẳng khó khăn gì cả.

 

Ông Phạm Chí Cường thì cho rằng, trong thời gian qua khi thép cuộn Trung Quốc thâm nhập thị trường Việt Nam với giá rẻ đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thép cuộn. Nhiều doanh nghiệp thép nay đã ngừng sản xuất thép cuộn và nhập thẳng từ Trung Quốc về bán. Nay các doanh nghiệp lại định “tiếp tay” cho thép cây Trung Quốc tràn vào Việt Nam thì ngành sản xuất thép trong nước có nguy cơ phải ngừng sản xuất.

 

Khi đó thép cây Trung Quốc sẽ tung hoành trên thị trường  và chỉ cần phía Trung Quốc điều chỉnh về giá, thuế ... thép là toàn thị trường Việt Nam sẽ bị biến động theo.

 

Theo Trần Thủy

VietNamnet