Thêm "tay chơi", bảng xếp hạng vốn điều lệ công ty chứng khoán lại xáo trộn

Thảo Thu

(Dân trí) - Các công ty chứng khoán tăng vốn mạnh nhằm kịp đón sóng kỳ vọng của nhà đầu tư, liên quan đến câu chuyện nâng hạng thị trường, vận hành hệ thống KRX, giao dịch T+1,5…

Thứ hạng xáo trộn

Mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) thông báo hoàn tất lấy kiến cổ đông bằng văn bản, quyết định thông qua phương án tăng vốn từ 1.126 tỷ đồng lên gần 9.250 tỷ đồng, bằng phương thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ cùng loạt phương án chia cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Đến cuối quý II năm nay, vốn điều lệ của TCBS là hơn 1.126,14 tỷ đồng, nhưng quy mô vốn chủ sở hữu đã xấp xỉ 10.190 tỷ đồng. Phần lớn nguồn vốn nằm ở lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích lũy qua các năm.

Phương án tăng vốn trên đã tạo ra thay đổi lớn trong bảng xếp hạng vốn điều lệ các công ty chứng khoán. Cụ thể thì TCBS vượt Chứng khoán VPBank (VPBank Securities) với quy mô 8.920 tỷ đồng, để trở thành công ty có vốn điều lệ lớn thứ 3 trong ngành, chỉ đứng sau Chứng khoán SSI với 14.911 tỷ đồng và VNDirect là 12.178 tỷ đồng.

Thêm tay chơi, bảng xếp hạng vốn điều lệ công ty chứng khoán lại xáo trộn - 1

Bảng xếp hàng vốn điều lệ các công ty chứng khoán (Biểu đồ: Thảo Thu).

Bảng xếp hạng vốn điều lệ của các công ty chứng khoán sau khi thay đổi ghi nhận vị trí thứ 5 là Chứng khoán Mirae Asset với 6.591 tỷ đồng, theo sau là Chứng khoán SHS với 6.505 tỷ đồng, Chứng khoán VPS với 5.700 tỷ đồng, chứng khoán VIX với 5.492 tỷ đồng…

Thực tế, Chứng khoán SSI mới lấy lại ngôi đầu vốn điều lệ từ VNDirect cách đây 2 tuần, sau khi hoàn tất chào bán cổ phiếu ra công chúng theo phương án được cổ đông thông qua tại phiên họp thường niên đầu năm. SSI đã phát hành hơn 496 triệu cổ phiếu mệnh giá 15.000 đồng cho cổ đông, để tăng vốn lên như hiện tại.

Ngoài SSI, nhiều công ty chứng khoán khác cũng nâng cao quy mô vốn trong năm nay.

Đơn cử như VNDirect. Từ giữa tháng 4, công ty tiến hành đợt tăng vốn mạnh lên 12.178 tỷ đồng. SSI và VNDirect là 2 đại diện của ngành chứng khoán có quy mô vốn trên 10.000 tỷ đồng. Mức vốn điều lệ này tương đương với một số ngân hàng tầm trung như TPBank (15.852 tỷ đồng), MSB (15.275 tỷ đồng), OCB (13.699 tỷ đồng), Eximbank (12.355 tỷ đồng)…

Chứng khoán ASC hậu đổi chủ thành Chứng khoán VPBank cũng có bước tăng vọt vốn điều lệ từ 268,8 tỷ đồng lên 8.920 tỷ đồng, tương ứng tăng 33 lần vào tháng 7 vừa rồi. Mức tăng vốn này là kỷ lục toàn ngành và từng làm xáo trộn bảng xếp hạng vốn điều lệ các công ty chứng khoán thời điểm đó.

Năm 2021 trước đó, thống kê cho thấy thị trường có 44 trong số 79 công ty tăng vốn điều lệ thông qua các hình thức như phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ... Vốn điều lệ của nhóm 79 công ty chứng khoán trong năm 2021 đã tăng thêm khoảng 35.300 tỷ đồng, trong khi tổng mức tăng 4 năm trước đó cộng lại chỉ khoảng 25.200 tỷ đồng.

Sau khi tăng vốn điều lệ, các công ty chứng khoán có thể bổ sung thêm nguồn lực nhằm tăng vốn kinh doanh, cho vay margin, tự doanh, đầu tư… Các hoạt động này sẽ giúp gia tăng dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán, giúp giao dịch trên thị trường diễn ra sôi động hơn.

Công ty chứng khoán "hụt thu" margin

Tuy nhiên, các công ty chứng khoán rục rịch tái khởi động tăng vốn trùng bối cảnh thị trường chứng khoán có những diễn biến kém tích cực từ đầu năm. Nhà đầu tư hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính bằng vay ký quỹ (margin: vay tiền công ty chứng khoán để đầu tư). 

Dùng margin được cho là cách tối ưu hiệu suất đầu tư, khi tạo cơ hội để tăng lợi nhuận trong trường hợp giá cổ phiếu tăng cao hơn lãi suất vay margin mà mỗi nhà đầu tư trả cho công ty chứng khoán. Dù vậy, trong trường hợp dự báo sai xu hướng giá cổ phiếu, việc sử dụng đòn bẩy lại có tác động "ngược", có thể làm tăng lỗ.

Thêm tay chơi, bảng xếp hạng vốn điều lệ công ty chứng khoán lại xáo trộn - 2

(Biểu đồ: Thảo Thu).

Theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Quyết định 87 về quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu.

Năm 2021, khi VN-Index liên tục thiết lập các mức đỉnh mới, tỷ lệ này của các công ty chứng khoán luôn ở sát mức trần. Quý I năm nay, tỷ lệ này thực chất vẫn ở mức cao. Phải đến cuối quý II thì tại hầu hết công ty chứng khoán, tỷ lệ trên mới "hạ nhiệt" về sát 1 lần vốn chủ sở hữu.

Báo cáo tài chính quý II năm nay cho thấy 2 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất ngành là SSI và VNDirect ghi nhận dư nợ cho vay giảm lần lượt 31% và 32% so với quý liền trước. Mức giảm này ở TCBS là 16%, ở Mirae Asset là 27%, VPS là 32%, KIS Việt Nam là 40%, SHS là 44%...

Trong bối cảnh giao dịch thị trường chưa khởi sắc, thanh khoản liên tục giảm, giới chuyên gia dự báo ảnh hưởng của việc thu hẹp quy mô cho vay margin của các công ty chứng khoán có thể sẽ rõ ràng hơn trong các quý tiếp theo.

Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng không chỉ nên nhìn vào yếu tố "nguy" mà còn nên nhìn nhận các vấn đề "cơ". Việc tăng vốn của công ty chứng khoán nhằm tăng vị thế cạnh tranh, mở rộng dịch vụ, sản phẩm… vẫn được đánh giá sẽ kịp đón sóng kỳ vọng của nhà đầu tư, liên quan đến câu chuyện nâng hạng thị trường, vận hành hệ thống KRX… trong thời gian tới.

Theo một số chuyên gia, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn, điều này sẽ hút được lượng tiền lớn trên thị trường, không chỉ ở nhà đầu tư nội và còn ở nhà đầu tư ngoại. Đặc biệt, việc rút ngắn thời gian giao dịch xuống còn T+1,5 từ ngày 29/8 tới đây cũng sẽ giúp vòng quay vốn của nhà đầu tư diễn ra nhanh hơn, cải thiện thanh khoản của thị trường chung.