Thêm một tỷ phú USD “nhảy” vào sân chơi ô tô?
(Dân trí) - Một tỷ phú USD vừa thành lập công ty mới liên quan tới lĩnh vực ô tô, với vốn điều lệ 605 tỷ đồng là thông tin đáng chú ý tuần qua.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng sẽ kinh doanh… ô tô?
Tuần qua, cổ phiếu mã MSN của Masan Group có nhiều phiên tăng giá liên tiếp.
Bên cạnh những thương vụ đáng chú ý với Vingroup và chào mua 60% cổ phần Bột giặt NET, “hệ sinh thái” Masan Group mới đây cũng có thêm thành viên mới Công ty TNHH Masan HPC được thành lập vào ngày 20/12 vừa qua.
Đáng chú ý là trong 47 ngành nghề kinh doanh mà Masan HPC của ông Nguyễn Đăng Quang đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngoài ngành nghề chính là bán buôn đồ dùng gia đình và đồ dùng chăm sóc cá nhân thì công ty này còn kinh doanh, buôn bán ô tô, mô tô, xe máy… Vốn điều lệ này của “tân binh” này là 605 tỷ đồng.
Đại gia “đen đủi” nhất 2019
Thị trường chứng khoán đang bước vào những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019. Cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 đang cho thấy có dấu hiệu phục hồi sau chuỗi giảm sâu khi ghi nhận tăng 1.500 đồng tương ứng hơn 4% lên 38.500 đồng/cổ phiếu vào phiên ngày 23/12.
Tuy nhiên, trước khi xảy ra sự cố với YouTube hồi tháng 3 năm nay, YEG từng đạt đỉnh xấp xỉ 250.000 đồng vào ngày 8/1/2019. Như vậy, chỉ trong chưa tới 1 năm, YEG đã “bốc hơi” 85% giá trị.
Ở thời kỳ đỉnh cao của cổ phiếu YEG, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Yeah1 từng là một trong những đại gia trẻ sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán, vượt qua các tên tuổi lớn như ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT hay ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai.
Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, giá trị tài sản trên sàn của ông Tống chỉ còn hơn 115 tỷ đồng. Có thể nói, đây là một trong những đại gia “đen đủi” nhất năm 2019.
Đại gia Nam Định công bố thưởng “khủng” hơn cả thưởng Tết
Trong tuần, cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động cũng bị sụt giá sau 4 phiên liên tục tăng trước đó.
Diễn biến này của MWG có thể xuất phát từ việc doanh nghiệp của đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài mới đây công bố phương án phát hành cổ phiếu và sử dụng cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Theo đó, doanh nghiệp này dự kiến phát hành mới gần 9,8 triệu cổ phiếu và phân phối hơn 856 ngàn cổ phiếu quỹ. Tổng giá trị cổ phiếu thưởng hơn 106 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ phát hành mới vào mức 2,4% với giá ưu đãi chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu, tức chưa bằng 1/10 thị giá MWG hiện đang giao dịch trên thị trường.
Vợ chồng nữ đại gia Chu Thị Bình lộ tham vọng lớn
Trong sự kiện ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược và hợp đồng tư vấn chuyển đổi số với Tập đoàn FPT mới đây, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Thuỷ sản Minh Phú đã công bố mục tiêu đến năm 2045 sẽ đạt 25% thị phần tôm thế giới.
Bản thân “vua tôm” Việt cũng đánh giá đây là một tham vọng cực kỳ lớn của bản thân và Minh Phú chỉ đạt được đúng thời gian đề ra nếu thực sự tạo được đột phá.
Dù đây là một thông tin tích cực và ảnh hưởng lớn đến bức tranh sản xuất kinh doanh sắp tới song trước thông tin trên, cổ phiếu MPC của Minh Phú trên thị trường UPCoM vẫn chỉ đứng giá 21.500 đồng.
“Cú chốt” cuối năm của bà Thanh Phượng
Trong bối cảnh thị trường giao dịch không thuận lợi, cổ phiếu VCI của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) diễn biến tiêu cực bất chấp thông tin, công ty của bà Nguyễn Thanh Phượng đã phát hành thành công 33.152 trái phiếu theo loại hình trái phiếu ghi danh, không chuyển đổi, tương đương với tổng giá trị gần 332 tỷ đồng.
Trái phiếu phát hành theo hình thức ghi sổ với lãi suất danh nghĩa từ 7-9%/năm và lãi suất phát hành thực tế từ 7-7,5%/năm. Các tổ chức trong nước nắm giữ phần lớn giá trị trái phiếu phát hành (331 tỷ đồng, tương ứng 99,8%), phần còn lại do nhà đầu tư cá nhân trong nước nắm giữ.
Thế Hưng