Thêm đề xuất nghiên cứu phương án giá điện 2 bậc thang

(Dân trí) - Hiệp hội Năng lượng đề xuất xem xét nghiên cứu thêm phương án giá 2 bậc. Trong đó, bậc 1 dành cho đối tượng hộ nghèo, khó khăn với mức giá giữ trong khoảng từ 1.484 – 1.533 đồng/kWh.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Tại diễn đàn về giá điện diễn ra tuần qua, Hiệp hội Năng lượng đề xuất xem xét nghiên cứu thêm phương án giá điện 2 bậc. Trong đó, bậc 1 dành cho đối tượng hộ nghèo, khó khăn với mức giá giữ trong khoảng từ  1.484 đồng/kWh – 1.533 đồng/kWh; với gam điện lượng tiêu thụ trong bậc này (thông qua cân đối tính toán cụ thể) nên là 100kWh.

Theo phương án trên, bậc 2 dành cho tất cả các đối tượng sử dụng điện còn lại với mức giá lũy tiến trên cơ sở tính toán khoa học và số liệu thống kê tin cậy, thể hiện nguyên tắc bình đẳng về giá mua bán điện đối với các hộ có điều kiện, thu nhập trung bình trở lên, khuyến khích quan tâm tiết kiệm điện ở mọi đối tượng sử dụng điện. Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc đơn vị sản xuất kinh doanh điện bù đắp được chi phí sản xuất, có lợi nhuận hợp lý.

Hiệp hội Năng lượng cho rằng, phương án giá điện 6 bậc hiện tại dù phản ánh đúng chính sách hỗ trợ người nghèo, khuyến khích tiết kiệm điện của Nhà nước nhưng khó khăn trong quản lý như: ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện, người dùng khó kiểm tra, khoảng cách giữa các bậc thang lớn. Trong khi đó, nếu áp mức đồng giá sẽ khiến các hộ dùng ít phải trả thêm tiền điện cho với hiện tại và không khuyến khích tiết kiệm.

"Chúng tôi thấy nên cần xem xét, nghiên cứu thêm phương án đơn giản, rõ ràng, thuận lợi hơn mà vẫn đáp ứng được yêu cầu về chính sách giá điện ưu việt của Đảng và Nhà nước ta là hỗ trợ đối tượng nghèo, khó khăn, không khuyến khích dùng quá nhiều điện (thậm chí lãng phí) trong khi nguồn và khả năng cung ứng còn khó khăn”, Hiệp hội đề xuất.

Bình luận về các phương án giá điện, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, không áp dụng quy định một mức biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt (đồng giá), mà áp dụng chính sách giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc thang. Còn số bậc phải trên cơ sở các dữ liệu có liên quan để tính toán cụ thể, bảo đảm giá điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, phản ảnh các yếu tố đầu vào của sản xuất điện.

Theo ông Hùng, tỷ lệ số hộ sử dụng điện từ 200 kWh/hộ/tháng trở xuống, năm 2014 so với năm 2013 cơ bản không thay đổi. Tuy nhiên, tỷ lệ số hộ sử dụng điện từ 50 kWh/hộ trở xuống, năm 2014 so với năm 2013 gấp hơn 3 lần. Tỷ lệ số hộ sử dụng điện từ 51 đến 100 kWh, năm 2014 so với năm 2013 lại chỉ bằng 60,22%. Tỷ lệ số hộ sử dụng điện trên 200 kWh/hộ và 400 kWh/hộ năm 2014 so 2013 cơ bản không thay đổi.

"Đây chính là cở sở cho các nhà xây dựng, ban hành chính sách xác định biên độ cũng như số bậc để bảo đảm tổng doanh thu của ngành điện từ việc bán lẻ điện cho sinh hoạt không thay đổi, nhưng đáp ứng được chính sách an sinh xã hội và tiết kiệm điện theo Luật Điện lực”, ông nói.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Minh Duệ - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nên giữ nguyên biểu giá 6 bậc như hiện nay nhưng tính toán kỹ lưỡng mỗi bậc thang nên trong khoảng bao nhiêu tương ứng với mức giá nào. Bên cạnh đó, cần xác định một mức giá điện bình quân sinh hoạt hợp lý.

"Quy định một giá duy nhất cho mọi đối tượng sẽ không quan tâm đến tầng lớp người nghèo, thu nhập thấp trước dịch vụ xã hội; vì người giàu và người nghèo cùng trả đồng nhất một giá; không khuyến khích người tiêu dùng, nhất là người có thu nhập cao tiết kiệm điện. Áp dụng đồng giá sẽ thuận tiện cho EVN trong thanh toán và ghi chỉ số công tơ, điều đó không phải là quan trọng trong điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay. Vậy cần loại trừ phương án này”, ông Duệ nói.

Phương Dung

Thêm đề xuất nghiên cứu phương án giá điện 2 bậc thang - 2