1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Thể chế kinh tế như “chiếc áo chật” khiến tăng trưởng đến điểm giới hạn

(Dân trí) - “Cơ chế kinh tế hiện nay đã đến điểm giới hạn. Sau hơn 30 năm chuyển đổi, nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng. Trong khi, hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp, chậm được cải thiện.”

Đó là phát biểu của ông Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân tại hội thảo “Thể chế với phát triển kinh tế ở Việt Nam” diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Ngoài ra, ông Đạt còn cho rằng: “Chất lượng tăng trưởng thấp trong khi năng suất lao động tụt hậu so với các nước trong khu vực, không những vậy, tốc độ tăng năng suất cũng không đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các nước.”

“Chưa kể đến, các chỉ tiêu về sự cải thiện trong công nghệ không đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Điều này dẫn tới việc tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu hướng giảm so với các giai đoạn trước”, ông Đạt nói.

Thêm một điểm nữa theo ông Đạt đó là: “Việt Nam thiếu những động lực quan trọng và đủ mạnh để đưa nền kinh tế có thể vượt qua được vùng trũng tăng trưởng một cách bền vững. Cần phải tìm ra động lực cho giai đoạn mới.”

Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng theo Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân thì: “Rào cản về thể chế kinh tế được xác định là một trong những nguyên nhân hàng đầu.”

Ông Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân
Ông Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Giải thích về khẳng định đó, ông Đạt cho rằng: “Các nghiên cứu đều cho thấy thế chể kinh tế đóng vai trò quan trọng đến tăng trưởng. Có nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao những quốc gia nghèo về tài nguyên nhưng lại trở nên giàu có, trong khi những quốc gia khác giàu về tài nguyên lại không. Câu trả lời là do thể chế kinh tế.”

“Một thể chế kinh tế tốt sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng và thị trường kinh tế có một hệ thống pháp luật đáng tin cậy, ghi nhận và bảo hộ các quyền tự do sở hữu; tự do khế ước; tự do cạnh tranh;… Một cơ chế đáng tin cậy giúp giải quyết các tranh chấp cũng như chính quyền minh bạch. Mọi hành vi can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế có thể tiên liệu và khả năng dự báo trước được”, ông Đạt cho biết thêm.

Đánh giá về xu hướng kinh tế năm 2018, ông Đạt nhận định: “Trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế đã bớt lệ thuộc vào bề rộng và tài nguyên như hiện nay. Tôi cho rằng việc cải cách thể chế, đặc biệt là tôn trọng quyền sở hữu, cạnh tranh bình đẳng và tính minh bạch là điều kiện rất quan trọng để các nguồn lực có thể được phân bổ hiệu quả hơn.”

“Đây sẽ tiếp tục là động lực quan trọng trong thời gian tới, góp phần vào thành công của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế. Vì thế, cần nhận diện các rào cản về thể chế kinh tế đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, để từ đó đề xuất các phương hướng khắc phục, tạo điều kiện cho phát triển nhanh bền vững trong giai đoạn sắp tới”, ông Đạt chia sẻ thêm.

Thực trạng rào cản về thể chế kinh tế

Đứng trước những khó khăn mà nhiều khách mời đã chỉ ra, GS.TSKH ông Lê Du Phong đã chỉ ra thực trạng rào cản về thể chế kinh tế nằm ở 4 nguyên nhân chính: “Thứ nhất là do chất lượng của hệ thống luật pháp thấp, sửa đổi liên tục. Tiếp theo là do các luật còn chồng chéo, mâu thuẫn.”

“Bên cạnh đó, nguyên nhân còn là bởi nó không phù hợp nên không đưa vào được cuộc sống. Và lý do cuối cùng là do bộ máy cồng kềnh, hiệu lực còn kém”, ông Phong khẳng định.

Những nguyên do này dẫn đến rất nhiều ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế xã hội mà theo ông Phong, đó là: “Làm cho điều hành nền kinh tế của Nhà nước gặp khó khăn, thị trường lúc thông lúc tắc; hạn chế hiệu lực điều hành nền kinh tế của Nhà nước; làm nản lòng các chủ thể tham gia hoạt động trong nền kinh tế.”

Thể chế kinh tế như “chiếc áo chật” khiến tăng trưởng đến điểm giới hạn - 2

“Không những vậy, nó còn làm giảm khả năng cạnh tranh của đất nước; gây lãng phí và thất thoát nguồn lực. Nghiêm trọng hơn, nó sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân, làm mất đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”, ông Phong cho biết thêm.

Để giải quyết những vấn đề liên quan tới thể chế kinh tế này, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu QLTK TW, ông Trần Kim Chung cho rằng: “Để hoàn thiện thể chế hướng tới mục tiêu giảm chi phí giao dịch: đối với các DN nói chung là giảm các thủ tục hành chính, giảm thanh – kiểm tra, chú trọng hậu kiểm thay vì tiền kiểm.”

“Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hoá các DN nhà nước. Và đặc biệt, phải tăng cường thể chế hướng tới kiểm soát các dòng tiền để hạn chế tham nhũng, trốn thuế,…”, ông Chung nói.

Giải pháp cuối cùng mà ông Chung chỉ ra, đó là: “Cần thể chế hoá các quan hệ trong quy định hành vi, giao dịch. Phải bình đẳng trong giao dịch. Muốn thế, trước hết các chủ thể phải bình đẳng. Thứ đến mới là các địa bàn phải bình đẳng.

Thế Hưng

Thể chế kinh tế như “chiếc áo chật” khiến tăng trưởng đến điểm giới hạn - 3