1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thất nghiệp lan tràn trên khắp thế giới vì đại dịch corona

(Dân trí) - Đại dịch corona đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Các nhà kinh tế của JPMorgan Chase dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại các thị trường phát triển sẽ tăng 2,7% vào giữa năm nay.

Các công nhân thế giới đang quay cuồng với cú sốc ban đầu của suy thoái kinh tế do virus corona gây ra, với những mất mát về công việc hiện có và số lời yêu cầu trợ cấp phúc lợi trên toàn cầu đã tăng lên con số hàng triệu trong tuần này.

Tổ chức Lao động Quốc tế cảnh báo gần 25 triệu người buộc phải nghỉ việc nếu virus corona không được kiểm soát. Việc cắt giảm việc làm từ châu Á tới Mỹ cho thấy đây là cuộc suy thoái thời bình sâu nhất kể từ những năm 1930 khi các nền kinh tế thế giới bị đóng băng để chiến đấu với đại dịch.

Peter Hooper - người đứng đầu trung tâm nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Deutsche Bank đã nói với Đài truyền hình Bloomberg rằng: “Chúng tôi thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ và châu Âu đang tăng lên ở độ tuổi thanh thiếu niên. Đây là nỗi đau mà chúng ta gần như sẽ thấy ở Mỹ và châu Âu, đây là điều chưa từng có kể từ cuộc đại khủng hoảng.”

Thất nghiệp lan tràn trên khắp thế giới vì đại dịch corona - 1
Những người tìm kiếm việc làm tại một hội chợ việc làm ở Hợp Phì, thủ phủ phía đông tỉnh An Huy của Trung Quốc, vào ngày 28 tháng 3 năm 2020. Ảnh: Tân Hoa Xã

Thất nghiệp gia tăng sẽ tăng cường áp lực lên các Chính phủ và các ngân hàng Trung ương, buộc các nhà chức trách phải tăng tốc độ cung cấp các chương trình cứu trợ để bù đắp cho những người lao động thất nghiệp hoặc cố gắng thuyết phục các doanh nghiệp giữ chân nhân viên cho đến khi virus biến mất.

Sự thất bại nếu xảy ra thì sẽ có nguy cơ suy thoái thậm chí sâu hơn hoặc sự phục hồi nền kinh tế sẽ rất yếu. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải xem xét kích thích nhiều hơn nữa so với mức đã được triển khai.

Tại JPMorgan Chase, các nhà kinh tế dự đoán mức thất nghiệp tại các thị trường phát triển sẽ tăng 2,7% vào giữa năm nay. Mặc dù sẽ có một số biện pháp chữa lành vết thương khi các nền kinh tế phục hồi nhưng họ vẫn dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 4,6% ở Mỹ và 8,3% ở khu vực đồng Euro vào cuối năm 2021.

Cú sốc đối với thị trường lao động cũng đánh dấu một bài kiểm tra căng thẳng cho các mô hình xã hội khác nhau. Nền văn hóa linh hoạt ở Mỹ cho thấy rằng các công dân của họ sẽ bị mất việc nhiều hơn so với ở khu vực đồng Euro hoặc Nhật Bản, nơi có sự hỗ trợ lớn hơn đối với việc giữ chân nhân viên trước một cú sốc kinh tế.

Cái nhìn đầu tiên về sự tàn phá mà virus corona mang lại cho Mỹ đã rõ ràng trong báo cáo lao động hàng tháng vào thứ 6. Báo cáo cho thấy việc làm đã giảm vào tháng trước và đây cũng là lần đầu tiên trong suốt một thập kỷ, nước Mỹ xảy ra điều đó. Biên chế sụt giảm hơn 700.000, gấp 7 lần so với các nhà kinh tế đã dự báo.

Những con số nói trên càng đáng lo ngại hơn vì chúng mới chỉ bao gồm những thiệt hại ban đầu của thị trường lao động vào đầu tháng 3 - trước khi xảy ra các đợt sa thải và đóng cửa lớn nhất toàn nước Mỹ.

Do đó, một cú hích lớn hơn đang đến rất gần, nhất là khi số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng vọt lên mức kỷ lục 6,65 triệu vào tuần trước, nhiều hơn gấp đôi kỷ lục được thiết lập trong tuần trước nữa. Tổng số người yêu cầu trợ cấp thất nghiệp đạt 9,96 triệu trong hai tuần đó tương đương với tổng số người yêu cầu trợ cấp thất nghiệp trong sáu tháng rưỡi đầu của cuộc suy thoái 2007-2009.

Goldman Sachs tuần này dự đoán tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ sớm tăng vọt lên mức kỷ lục 15%.

Ở châu Âu, một báo cáo cho thấy gần một triệu người Anh đã nộp đơn xin thanh toán phúc lợi trong vòng hai tuần, gấp 10 lần số tiền bình thường. Văn phòng thống kê của đất nước đã công bố một cuộc khảo sát các doanh nghiệp, trong đó 27% trong số họ đang cắt giảm nhân công trong thời gian ngắn hạn.

Cũng có một sự gia tăng thất nghiệp kỷ lục ở Tây Ban Nha với tỷ lệ thất nghiệp ở mức xấp xỉ 14% - thuộc hàng cao nhất trong các nước phát triển. Tỷ lệ thất nghiệp ở Áo tăng vọt lên 12%, cao nhất kể từ sau Thế chiến II.

Trong khi thất nghiệp của Đức hầu như không tăng trong tháng 3, nhưng Detlef Scheele - người điều hành cơ quan lao động của Đức, cho biết, dữ liệu vào tháng tới sẽ cho thấy tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng.

Một con số kỷ lục - 470.000 công ty nộp đơn xin hỗ trợ tiền lương của nhà nước Đức vào tháng 3 và con số này có khả năng sẽ tiếp tục tăng, điều đó cho thấy cho đến nay khoảng 1/5 lực lượng lao động có thể đã bị giảm giờ làm việc.

Các doanh nghiệp Pháp cũng đã vội vã hưởng lợi từ viện trợ của chính phủ để giữ cho người lao động không phải nghỉ việc, tại đây, các doanh nghiệp đã được nhà nước hỗ trợ trả 84% tiền lương cho người lao động. Tính đến hôm thứ năm, khoảng 400.000 công ty đã áp dụng chinh sách này cho 4 triệu công nhân, chiếm khoảng 20% lực lượng lao động trong khu vực tư nhân.

Theo dữ liệu của Bloomberg, dữ liệu của Bắc Âu đã cho thấy khu vực này đang chịu một cú sốc việc làm lớn, với hơn 800.000 người mất việc ở đó, trong đó có hơn 620.000 người làm việc tạm thời ở Phần Lan và Na Uy.

Ở châu Á, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản ở mức 2,4% trong tháng 2. Nhiều vùng với nạn thất nghiệp nghiêm trọng gần đây đã nhanh chóng có được các khoản vay khẩn cấp thông qua một chương trình của Chính phủ dành cho những người mất việc hoặc phải đối mặt với việc bị cắt giảm lương.

Còn ở Thái Lan, gần 23 triệu người - chiếm một phần ba dân số đất nước, đã đăng ký nhận tiền mặt của chính phủ kể từ khi chính sách hỗ trợ này được cung cấp vào ngày 28 tháng 3. Các khoản tài trợ chỉ dành cho 9 triệu người và sẽ trả 15.000 baht (455 USD) cho mỗi cá nhân trong hơn ba tháng.

Tuy nhiên, thất nghiệp phần lớn sự tập trung sẽ rơi vào Trung Quốc - nền kinh tế Trung Quốc đang trở lại phía trước với toàn bộ công suất. Tỷ lệ thất nghiệp đô thị được khảo sát tại Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 6,2% trong tháng 2 khi hoạt động kinh doanh bị đóng băng.

Theo các chuyên gia kinh tế tại Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand, sự gián đoạn đó đã khiến 8 triệu người mất việc.

Peter Hooper tại Deutsche Bank nói rằng triển vọng nền kinh tế thế giới trong tương lai sẽ không còn ảm đạm nữa khi sự bùng phát của virus corona chấm dứt. Ông nói: “Bạn sẽ thấy một sự sụt giảm tỷ lệ thất nghiệp khá nhanh từ những mức thất nghiệp cao ngất ngưởng hiện nay.”

Thùy Dung

Theo SCMP