1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thảo quả Việt Nam “ngóng” thương lái Trung Quốc

(Dân trí) - Thảo quả là một loại cây quý, mang lại giá trị kinh tế lớn cho nông dân tại các tỉnh biên giới phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang… Nhưng hiện nay, người dân trồng thảo quả vẫn chưa tìm được đầu ra nào khác cho giống cây quý này ngoài chờ thương lái Trung Quốc sang thu mua.

Thảo quả Việt Nam “ngóng” thương lái Trung Quốc
 Mặc dù là loại cây thảo dược quý, nhưng hầu như đầu ra ở thị trường nội địa rất khó khăn, chủ yếu vẫn bán cho thương lái Trung Quốc.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
Cây quý dễ trồng, thu nhập cao

 

Thảo quả là một loại thực vật có hoa thuộc họ gừng. Quả chín phơi hay sấy khô của thảo quả không chỉ là một thứ gia vị đặc biệt trong ẩm thực mà còn là một loại cây thuốc quý trong y học.

Tại những vùng đất có khí hậu mát mẻ như Hà Giang, thảo quả là một loại cây có thể mọc tự nhiên và hiện nay được trồng phổ biến với diện tích hàng trăm ha.

 

Ông Bàn Văn Hồng, phó trưởng thôn Mào Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) cho biết, từ khi biết đến cây thảo quả, người dân trong thôn thi nhau mở rộng diện tích trồng cây. Hiện cả thôn có 64 hộ thì chỉ có 3 hộ không trồng.

 

Theo ông Hồng, do thảo quả là giống cây mọc tự nhiên, trong điều kiện đất đai, khí hậu và độ ẩm ở địa phương thích hợp nên cây phát triển rất nhanh, không cần bỏ nhiều vốn và tốn công chăm sóc nên lợi nhuận từ cây thảo quả rất khả quan. Mỗi năm thảo quả cho thu hoạch một vụ vào tháng 10.

 

Gia đình anh Hồng có 4.000m2 trồng cây thảo quả, với sản lượng mỗi năm gần 1 tấn, trừ các chi phí như thuê người hái và sấy đi, gia đình anh thu lãi hơn trăm triệu đồng.

 

Không chỉ riêng gia đình anh Hồng, các hộ gia đình khác trong thôn hàng năm cũng có một nguồn thu khá ổn định từ thảo quả. Người dân thôn Mào Phìn dần dần coi đây là nguồn thu chính trong gia đình, bên cạnh một số nguồn thu phụ khác từ cây chè và cây lúa.

 

Đầu ra nội địa khó khăn

 

Mặc dù là loại cây thảo dược quý, nhưng hầu như đầu ra ở thị trường nội địa rất khó khăn, chủ yếu vẫn bán cho thương lái Trung Quốc.

 

Ông Bàn Văn Đằng, trưởng thôn Mào Phìn, trước đây khi chưa trồng thảo quả, đất ở thôn chủ yếu để không, thảo quả mọc hoang tự nhiên, đến khi thương lái Trung Quốc biết và ngỏ ý muốn mua thảo quả với giá cao, người dân trong thôn mới bắt đầu tập trung phát triển cây thảo quả.

 

“Khách hàng mua thảo quả chủ yếu là thương lái Trung Quốc sang tận nơi lấy. Ngay từ đầu vụ, thương lái Trung Quốc đã đi thu gom thảo quả ở khắp nơi, nhiều nhà phải thu hoạch non để bán được giá. Gia đình tôi có gần 7000m2 trồng thảo quả, hàng năm thu nhập lên đến gần 400 triệu đồng”, ông Đằng cho biết.

 

Cũng theo nhiều người dân trong thôn, họ vẫn thích bán thảo quả cho thương lái Trung Quốc hơn vì giá chênh lệch lớn. Thương lái Trung Quốc thường mua đến 200-250 ngàn đồng/kg còn trong nước chỉ bán được từ 120-130 ngàn đồng/kg”.

 

Thảo quả là một trong những nguyên liệu quan trọng tạo ra nhiều loại thuốc quý ở Trung Quốc. Vì vậy, thương lái Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao gấp đôi, gấp ba so với giá nội địa để thu gom được thảo quả chất lượng cao với số lượng lớn.

 

Chia sẻ về đầu ra cho loại cây quý này, anh Bàn Văn Hồng nói: “Trong đợt tập huấn gần đây tại xã, tôi thấy thông báo rằng  nhà nước đã có chính sách phát triển, thu mua cây thảo quả tại địa phương, nhưng hiện nay vẫn chưa thấy có tín hiệu gì. Những người trồng thảo quả trong thôn chúng tôi chỉ biết trông đợi vào thương lái Trung Quốc thôi nếu thị trường nội địa vẫn khó khăn như bây giờ”.

 

Triệu Hồng Hạnh
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm