Tháo gỡ cơ chế giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng
(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội, phải làm sao tháo gỡ được các cơ chế để giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng, hỗ trợ tháo gỡ các điểm nghẽn.
Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Cần gỡ được các cơ chế để giải ngân vốn đầu tư công
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH TPHCM) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay phải nỗ lực, hỗ trợ đến mức tối đa để có thể triển khai đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, vì chúng ta đã có kế hoạch, đã có phân bổ vốn.
Theo ông Ngân, điều này rất quan trọng, vì 3 động lực tăng trưởng là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư, thì động lực xuất khẩu đang bị mất đà do bối cảnh thế giới. Bên cạnh đó, tiêu dùng trong nước của người dân cũng bị bào mòn sau hai năm dịch Covid-19.
Chính vì lẽ đó, theo ông Ngân, chỉ còn động lực quan trọng nhất còn lại hiện nay là động lực đầu tư, trong đó đầu tư công có vai trò dẫn dắt.
"Phải làm sao tháo gỡ được các cơ chế để giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng, hỗ trợ tháo gỡ các điểm nghẽn - mà điểm nghẽn nặng nề nhất hiện nay là hạ tầng giao thông", ông Ngân nói.
Cũng theo vị đại biểu này, theo quy định hiện hành trong Luật PPP, vốn Nhà nước tham gia tối đa 50% tổng mức đầu tư dự án giao thông. Tuy nhiên trong bối cảnh vừa qua của ngành giao thông, cũng như của TPHCM, ông Ngân cho rằng việc nâng tỷ lệ lên 70% là hợp lý vì số vốn thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư chiếm tỷ lệ rất cao.
Cũng liên quan đề xuất nâng tỷ lệ vốn Nhà nước trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) lên 70%, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, qua giám sát, triển khai vừa rồi đã thấy rõ những vướng mắc trong triển khai thực hiện vừa qua chưa thu hút được các nhà đầu tư để xã hội hóa.
"Có một cốt lõi vấn đề liên quan chủ yếu đến cấp tín dụng của ngân hàng, còn lại các kênh khác như PPP có cho khi thành lập doanh nghiệp, dự án được phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì hiện nay chưa làm được để thành một kênh huy động.
Hay như phần chia sẻ giảm doanh thu, mặc dù trong luật PPP có quy định chia sẻ dùng quỹ dự phòng ngân sách, song chiếu qua quỹ dự phòng ngân sách, Luật Ngân sách Nhà nước thì mục đó lại không có. Vì vậy, sắp tới phải rà soát, điều chỉnh tổng thể mới phù hợp, đồng bộ với PPP", ông Sơn nói.
Tăng tính hấp dẫn cho dự án PPP
Cũng nêu ý kiến tại tổ, ông Nguyễn Phi Thường (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nhắc tới cơ chế quản lý tài chính, thanh toán đối với vốn ngân sách Nhà nước tham gia trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Ông Thường cho biết, theo các quy định hiện tại thì nhà đầu tư phải chủ động bỏ vốn chủ sở hữu, vốn vay để thực hiện các hạng mục công trình trước (bao gồm cả phần chi phí thuộc phần vốn nhà nước tham gia) và chi sau khi hạng mục công trình đó đã được cơ quan ký kết hợp đồng dự án xác nhận đã hoàn thành thì mới được Nhà nước giải ngân.
Việc này sẽ làm giảm tính hấp dẫn nhà đầu tư tham gia, gây khó khăn không nhỏ cho nhà đầu tư khi thu xếp, bố trí vốn triển khai dự án cũng như ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
"Theo đó về quan điểm, cần nghiên cứu cập nhật, điều chỉnh nội dung này vào Điều 4 dự thảo Nghị quyết theo hướng: "Phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP được thanh toán, giải ngân theo tiến độ, tỷ lệ tương ứng với phần vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng do nhà đầu tư huy động", ông Thường nêu ý kiến.