Tháo chạy khỏi biệt thự Trung Hòa - Nhân Chính

Hết thời hoành tráng, những căn biệt thự có giá hàng chục tỷ đồng ở Trung Hoà - Nhân Chính đang trong tình trạng bỏ không, cửa đóng then cài. Lý do chính là giá thuê quá đắt nên không ai chịu nổi.

Đốt tiền thuê biệt thự

 

Không treo biển cho thuê cũng như chẳng có bóng người nào, một ngôi biệt thự rộng hơn 300m2 tại phố Đỗ Quang (Trung Hoà, Cầu Giấy, HN) đã đóng cửa im ỉm từ hơn một năm nay.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Nhìn từ bên ngoài, ngôi biệt thự ba tầng bề thế đã bám màu rêu xanh, các ô cửa phủ kín bụi bẩn. Trong sân, lá cây tích tụ thành đống, những cành khô rụng ngổn ngang. Các chậu cây cũng mọc tua tủa do thiếu bàn tay chăm sóc. Đây là một trong nhiều căn biệt thự ở khu vực này trong tình trạng bỏ trống, không có người trông coi.

 

Một tay môi giới nhà cho thuê cho biết, ngôi nhà này của một giám đốc một công ty tài chính, hiện ông đang sống ở Nguyễn Hữu Huân. Trước đây, nó đã từng có hai ba công ty bất động sản thuê nhưng sau khi một công ty chuyển đi cách đây hơn một năm, đến nay vẫn trong tình trạng bỏ không.

 

Tay môi giới này cho biết, ngôi nhà này qua nhiều chủ thuê. Có người thuê làm văn phòng công ty, có người mở nhà hàng. Ai cũng bề thế và hoành tráng lắm, nghe nói giá thuê cũng vài trăm triệu/tháng nhưng chẳng ai trụ được lâu, có công ty thì được hơn một năm, có công ty chỉ vài tháng, không rõ vì lý do gì.”

 

Nhiều căn biệt thự hàng chục tỷ bỏ không vì không có khách thuê
Nhiều căn biệt thự hàng chục tỷ bỏ không vì không có khách thuê

 

 “Anh chủ nhà chỉ xuống đây lúc dẫn khách tới thuê, còn cả năm chẳng thấy mặt mũi đâu, Tết cũng chẳng ai ngó ngàng tới. Đúng là họ giàu bỏ không cũng chẳng tiếc”, tay môi giới ngán ngẩm.

 

Đối diện đó, một ngôi biệt thự hàng trăm mét vuông khác cũng cửa đóng then cài, cửa sắt hoen rỉ. Theo chia sẻ của bà Tình, công ty truyền thông mới chuyển đi cách đây chừng nửa năm.

 

Khảo sát khu vực Trung Hoà Nhân Chính, số lượng căn biệt thự tiền tỷ đóng cửa bỏ không tương đối nhiều. Nếu như cách đây chỉ hai năm, khu Trung Hoà Nhân Chính vẫn là điểm nóng của thị trường BĐS, đây cũng là chỗ quy tụ của hàng chục các sàn BĐS, công ty nhà đất. Đi kèm theo đó là nhiều dịch vụ ăn theo mọc lên như nấm nhưng hiện nay đã rơi rụng gần hết, chỉ lác đác vài công ty của Hàn Quốc và nhà hàng kinh doanh.

 

Bỏ chạy khỏi khu nhà giàu

 

Là một người đã từng mở nhà hàng ở phố Đỗ Quang, anh Hải chia sẻ về thất bại của mình. Năm 2011, anh dồn sức để mở nhà hàng kinh doanh tại đây. Tổng số vốn anh bỏ ra đầu tư cơ sở vật chất cho nhà hàng lên tới 500 triệu đồng. Sau thời gian vận hành, kinh doanh thua lỗ, thu không đủ chi. Số lượng khách tới ăn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay mỗi ngày. Hoạt động cầm chừng một thời gian, anh quyết định đóng cửa, nhượng lại mặt bằng.

 

Anh Hải cho biết, kinh doanh khu vực này vẫn nặng nhất là thuê mặt bằng. Ngôi biệt thự mặt đường phố Đỗ Quang có giá 80 triệu đồng/tháng, tính chi phí nhân sự, quản lý, mỗi tháng anh mất đứt 100 triệu đồng. Nếu kinh doanh không tốt coi như “đốt tiền”. “Ban đầu, mình cũng khảo sát kỹ lưỡng, nhắm tới dân công sở và khách nước ngoài ở đây nhưng mọi tính toán đều thất bại. Một phần cũng do kinh tế từ năm đó trở đi giảm sút”, anh Hải nói.

 

Giá thuê mỗi căn biệt thự lên tới trăm triệu đồng/tháng
Giá thuê mỗi căn biệt thự lên tới trăm triệu đồng/tháng

 

Cũng thất bại như anh Hải, chị Lan, chủ một quán café ở khu vực này cũng đã đóng cửa quán, thanh lý không đủ tiền vốn. Được ông anh làm giám đốc một sàn bất động sản động viên hợp tác làm ăn, chị Lan bỏ công ty ra mở quán café ngay bên cạnh sàn BĐS. Dồn hết số vốn có được, chị đầu tư ba trăm triệu đồng mua sắm nội thất tạo phong cách cho quán. Tuy nhiên, bao công sức của chị bỏ ra không thể cứu vãn được tình thế, khách vắng, quán buộc phải giải tán.

 

Theo chị Lan, lý do quán không thể có được lượng khách tối thiểu do số lượng công ty ở khu vực này giảm sút liên tiếp trong thời gian ngắn, sau đó là suy thoái kinh tế, cộng với tiền mặt bằng và nhân công không hề giảm, đã tạo nên sức ép lớn.

 

“Chỉ hơn một tháng đã có tới hai ba công ty giải thể, lấy đâu ra khách. Sàn BĐS của ông anh thì èo uột, mình đóng quán trước, ông ấy bỏ sàn sau. Đến giờ, bàn ghế vẫn còn ở tầng một biệt thự đó, chẳng buồn lấy về cho chật nhà”, chị Lan chia sẻ.

 

Qua câu chuyện của anh Hải, chị Lan đã cho thấy lý do tại sao nhiều ngôi biệt thự ở khu vực này đang trong tình trạng bỏ trống. Trong khi đó, giá cho thuê ở khu vực này cũng chỉ giảm nhẹ. Khảo sát cho thấy, giá thuê một căn biệt thự trung bình từ 6.000 – 10.000 USD/tháng, thời gian “làm ăn được” chỉ những công ty lớn như tài chính, BĐS, doanh nghiệp nước ngoài mới đủ sức để thuê ở khu vực này.

 

Một trong những nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng bỏ không những căn biệt thự tiền tỷ là chủ nhà thường là những đại gia lớn, sở hữu nhiều biệt thự nên việc một căn không có khách thuê cũng chỉ ảnh hưởng phần nào tới tài chính của họ. Chủ một ngôi nhà tiết lộ, lý do anh bỏ trống nhà vì chưa có khách thuê ưng ý. Trước đó, anh cho một công ty BĐS thuê, ký hợp đồng ba năm. Được hơn một năm, tình hình kinh doanh thua lỗ, công ty phá sản, nợ tiền thuê nhà, anh phải chấp nhận đổi đất. “Nhà mình xây tiền tỷ, cho mấy công ty không tên tuổi họ thuê có khi lại hỏng nhà. Khoá cửa chờ thời vậy”, vị chủ nhà cho hay.

 

Ông Trung, chủ một ngôi biệt thự tỏ ra ngán ngẩm không muốn về sinh sống trong căn biệt thự tiền tỷ của mình ở khu vực này. Ông Trung cho hay, cách đây hơn năm ông cho một công ty truyền thông thuê. Sau đó, họ đã gần như phá nát kết cấu căn nhà vì đập tường rào mở quán café ở tầng 1, tầng hai thì phá hết tưởng để thông tầng. Tầng ba cũng hỏng toilet. Nếu anh muốn về sinh sống tại đây lại phải bỏ ra tiền tỷ để sửa lại. “Chán chả muốn cho thuê, nhà tiền tỷ bỏ không ai chả xót nhưng cứ nghĩ phải xây sửa lại để ở thì lại nản không muốn về”, ông Trung nói.

 

Trong khi nhiều người dân nghèo vẫn đang mơ ước một căn nhà nhỏ chỉ vài mét vuông, những ngôi biệt thự tiền tỷ ở khu phố sầm uất bỏ không quả là lãng phí. Với tình hình kinh tế chưa mấy sáng sủa như hiện nay, tình trạng này sẽ còn diễn ra dài dài.

 

Theo Duy Anh

VEF
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước