Thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm: Tỷ lệ hủy hợp đồng lên đến 73%

Thảo Thu

(Dân trí) - Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy Prudential, MB Ageas Life, Sun Life và BIDV Metlife sai phạm khi bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng.

Sun Life: Tỷ lệ hủy tại TPBank 73%, tại ACB 39%

Đối với Sun Life Việt Nam, Bộ Tài chính thông báo năm 2021 công ty này bán bảo hiểm qua Ngân hàng ACB và Ngân hàng Tiên Phong (TPBank).

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của công ty, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh ngân hàng đạt 2.038 tỷ đồng.

Doanh thu khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 1.907,7 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua ACB đạt 1.248,6 tỷ đồng và TPBank đạt 789,4 tỷ đồng.

Thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm: Tỷ lệ hủy hợp đồng lên đến 73% - 1

Tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của hợp đồng bán qua TPBank là 73% (Ảnh: Mạnh Quân).

Năm 2021, Sun Life phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua 2 ngân hàng này. Trong đó, tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của hợp đồng bán qua TPBank là 73%, còn qua ACB là 39%.

Prudential: Tỷ lệ hủy hợp đồng sau một năm mua là 41%

Theo Bộ Tài chính, năm 2021 Prudential bán bảo hiểm thông qua 8 ngân hàng gồm VIB, MSB, Seabank, Vietbank, PVcomBank, Shinbank, OUB, Standard Chartered.

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm bán qua ngân hàng của Prudential đạt hơn 6.184 tỷ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 3.700 tỷ đồng.

Số hợp đồng mới mà Prudential phát hành qua các nhà băng này là 94.431 hợp đồng. 

Tỷ lệ duy trì hợp đồng sau năm thứ nhất đối với các hợp đồng bán qua ngân hàng (tính theo phí bảo hiểm) là 59%, tương ứng với tỉ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%.

BIDV Metlife: Tỷ lệ hủy hợp đồng 39%

Theo Bộ Tài chính, BIDV Metlife bán bảo hiểm qua BIDV. Năm 2021, công ty phát hành mới 21.123 hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng, tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất là 39,4%.

Thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm: Tỷ lệ hủy hợp đồng lên đến 73% - 2

Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy 4 công ty sai phạm khi bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (Ảnh minh họa: Huyên Nguyễn).

Quy trình đào tạo và tư vấn bảo hiểm của BIDV Metlife chưa có quy định cụ thể về phân cấp, ủy quyền về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cá nhân, bộ phận và cơ chế phối hợp giữa các cá nhân, các bộ phận trong việc triển khai từng hoạt động theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

Công ty có 3 cán bộ thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại lý bảo hiểm nhưng căn cứ để chứng minh về kiến thức pháp luật chưa rõ ràng để đảm bảo thực hiện đúng quy định

MB Ageas: Tỷ lệ hủy hợp đồng sau một năm là 32,4%

Còn với MB Ageas, trong thông báo kết luận thanh tra, Bộ Tài chính cho hay doanh nghiệp này bán bảo hiểm qua Ngân hàng MB và Công ty tài chính MB Shinsei (hay Công ty tài chính MCredit).

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của công ty, tổng doanh thu phí bảo hiểm bán qua ngân hàng đạt 4.466 tỷ đồng.

Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 2.820,9 tỷ đồng, tương ứng 74% tổng doanh thu phí khai thác mới.

Năm 2021, MB Ageas phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua ngân hàng. Tình hình hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau năm thứ nhất của các hợp đồng bảo hiểm phát hành qua ngân hàng là 32,4%.

Theo kết luận thanh tra được Bộ Tài chính công bố trước đó, các doanh nghiệp này đều có sai phạm khi bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance), nhất là khâu tư vấn của giao dịch viên, nhân viên môi giới.

"Những sai phạm này sẽ được xem xét xử phạt hành chính, đảm bảo nghiêm minh và răn đe với thị trường", Bộ Tài chính cho biết. Bên cạnh đó, cơ quan này nói sẽ công khai quyết định xử phạt cho dư luận, nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch.