1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Quyết định số 1735/QĐ-TTg (QĐ1735) về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng (ĐTQM, hay còn gọi là e-GP).

Ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng ban. Việc thành lập Ban chỉ đạo được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển vượt bậc trong triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng ĐTQM giai đoạn 2016-2025.

Thành phần Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng
Thành phần Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thư ký Ban Chỉ đạo cho biết: Ban Chỉ đạo quốc gia về ĐTQM được thành lập với chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng ĐTQM giai đoạn 2011-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong lĩnh vực ĐTQM.

Ông Trương nhấn mạnh, việc thành lập Ban chỉ đạo sẽ tăng cường sự phối hợp kịp thời giữa các Bộ, ngành, địa phương giúp rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định phù hợp, thúc đẩy sự phát triển của đấu thầu qua mạng. Ông Trương dẫn chứng, ngoài Trưởng ban và Phó Trưởng ban, QĐ1735 nêu rõ các thành viên của Ban Chỉ đạo là các Thứ trưởng (tương đương) trở lên thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công Thương; Bộ Xây dựng; Bộ Y tế; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ.

Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng ĐTQM giai đoạn 2016 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1402/QĐ-TTg được phân chia theo 2 giai đoạn: 2016-2018 và 2019-2025. Giai đoạn 2019-2025, căn cứ tình hình thực tế, Bộ KH&ĐT điều chỉnh tăng tỷ lệ áp dụng cho từng năm đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 là 100% các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng ĐTQG; tối thiểu 70% số lượng gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thực hiện trên Hệ thống mạng ĐTQG; 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện trên Hệ thống mạng ĐTQG, áp dụng mua sắm tập trung trên Hệ thống mạng ĐTQG.

Giai đoạn 2016 - 2018, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng theo lộ trình sau: Năm 2017, thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 30% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 15% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế. Năm 2018, thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 40% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 30% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.

Các đơn vị như UBND TP. Hà Nội, EVN và VNPT, cơ quan, đơn vị đã thực hiện thí điểm đấu thầu qua mạng từ 01/7/2014 trở về trước thì thực hiện theo lộ trình: Năm 2017, tối thiểu 50% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 30% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế; từ năm 2018 trở đi, tối thiểu 50% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 40% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.

Trên thực tế, số liệu thống kê từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2017 tổng số gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng là 6.500 gói tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2016 nhưng chỉ đạt tỷ lệ 11% số gói thầu chào hàng cạnh tranh và 9% số gói thầu đấu thầu rộng rãi, hạn chế so với lộ trình.

Số liệu thống kê cũng cho thấy chỉ có một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đảm bảo chỉ tiêu về ĐTQM trong năm 2017 theo lộ trình, đơn cử gồm: Bộ KH&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Học viện chính trị quốc gia HCM, TP. Đà Nẵng, EVN, VNPT…, một số cơ quan thậm chí chưa áp dụng đấu thầu qua mạng bất kỳ gói thầu nào như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh Kiên Giang, Thái Nguyên; Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp hóa chất Việt Nam…

Minh Ngọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm