1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh

(Dân trí) - Vn-Index tiếp tục có thêm một phiên giảm điểm khi giao dịch diễn ra rất ảm đạm. Nhà đầu tư đang ngóng chờ kết quả kinh doanh năm 2008 của các doanh nghiệp để dự đoán triển vọng thị trường năm 2009.

Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh - 1

Nhà đầu tư muốn giữ tiền để tiêu tết? (ảnh: Hữu Nghị).

 
Hôm nay 12/1 là ngày đầu tiên 69/92 công ty chứng khoán thành viên của HoSE bắt đầu triển khai giao dịch trực tuyến. Giao dịch trực tuyến cho phép tự động hóa quá trình nhận lệnh, xử lý và xác nhận giao dịch của nhà đầu tư.

Tuy nhiên theo ý kiến của một số nhà đầu tư, lỗi xảy ra liên tục.

Phiên này Vn-Index giảm phiên thứ 3 liên tiếp khi mất 1,22 điểm xuống 312,19 điểm.

Giao dịch tiếp tục diễn ra ảm đạm trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư còn nhiều do dự trước tình hình khó khăn năm 2009 và bị chi phối bởi tết Nguyên đán đang đến rất gần.

Tổng khối lượng khớp lệnh sụt giảm khá mạnh so với phiên cuối tuần qua với 5,8 triệu cổ phiếu, đạt 124,75 tỷ đồng. Tính cả giao dịch thỏa thuận, toàn thị trường có 6,518 triệu đơn vị giao dịch trị giá 147,152 tỷ đồng.

Theo thống kê, trong tổng số 175 mã niêm yết trên HoSE có 46 mã tăng giá trong đó có 6 mã tăng trần, 86 mã giảm giá trong đó có 12 mã giảm giá sàn và 43 mã đứng giá tham chiếu.

Trong nhóm cổ phiếu blue-chips, có 3 mã tăng giá là GMD, ITA và VPL trong đó VPL là điểm sáng của phiên giao dịch ngày hôm nay khi mã cổ phiếu này tăng trần 2.500 đồng/CP đạt 60.000 đồng/CP, kết thúc phiên đây cũng là 1 trong số ít mã cổ phiếu không còn dư bán.

Các cổ phiếu chủ chốt còn lại đều mất điểm trong đó VNM là mã có mức giảm mạnh nhất khi giảm 1.000 đồng/CP xuống còn 84.000 đồng/CP.

Về giao dịch, không có cổ phiếu nào vượt quá khối lượng 500.000 đơn vị, dẫn đầu là SSI đạt hơn 422.000 cổ phiếu, tiếp theo là các mã STB, SAM, VIP… Hầu hết các mã này đều giảm điểm.

Hiện tại động lực tăng giá của Vn-Index trong ngắn hạn vẫn chưa xuất hiện và nếu không có thông tin hỗ trợ tích cực nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục lình xình cho đến sau tết Nguyên đán.

Bên sàn Hà Nội, Hastc-Index giảm 0,46 điểm xuống 105,51 điểm khi số mã giảm giá trên sàn chiếm phần lớn với 66 mã, 59 mã tăng giá và 26 mã đứng giá và cuối phiên.

Khối lượng khớp lệnh trên sàn đạt 3,944 triệu cổ phiếu, tương đương 79,2 tỷ đồng. Tính cả giao dịch thỏa thuận, tổng khối lượng giao dịch đạt 5,1 triệu cổ phiếu, tương đương 143,1 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chuyển nhượng nội khối 1.042.900 cổ phiếu KBC.

Hàng loạt cổ phiếu nhỏ tăng trần vào cuối phiên như AGC, NBC, PVC, TC6, TCS và TDN.

Các cổ phiếu tăng giá nhiều nhất sàn là MMC, TC6, NBC, TDN và TCS với mức tăng từ 1.400 - 1.900 đồng/CP. Ngoài NBC, các mã này hầu hết đều tăng trên 6%. Trong đó, NBC có dư mua trần hơn 30.000 cổ phiếu vào cuối phiên.

Về phía các cổ phiếu giảm giá, KBC đứng đầu với mức giảm 1.700 đồng xuống 58.200 đồng/CP, các mã giảm giá khác là DAC, PJC, SIC và NST. Trong đó PJC và NST giảm sàn với khối lượng giao dịch lần lượt là 2.800 và 200 cổ phiếu.

Phiên này, VCG vươn lên dẫn đầu với gần 600.000 cổ phiếu giao dịch. Các mã khác như ABC, KLS vẫn chưa thực sự bứt phá khi giao dịch ở mức trên dưới 400.000 đơn vị. Hai mã này giảm nhẹ lần lượt 100 đồng và 300 đồng/CP.

VGS và PVC đứng cuối cùng trong top các mã giao dịch nhiều nhất sàn với gần 240.000 và 160.000 cổ phiếu.

Theo báo cáo đánh giá của HSBC, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở nên kém hấp dẫn so với năm 2007 khi chỉ số P/E toàn thị trường dự tính trong 4 quý tới ở mức 10.1, trong khi các nước Châu Á chỉ xoay quanh mức 8.0 hoặc 7.2 như thị trường Indonesia hoặc Thái Lan.

Thanh Tú - Phương Mai