Tháng 10, gửi tiền ngân hàng nào nhận lãi cao nhất?

Thảo Thu

(Dân trí) - Các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất song mức tăng hạn chế. Tháng 9 vừa rồi có 12 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cao nhất theo công bố là 6,15%/năm.

Ngân hàng nào có lãi suất trên 6%/năm?

Khảo sát của phóng viên Dân trí tính đến tháng 9 cho thấy 12 ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ lãi suất trong tháng vừa rồi. Danh sách tăng lãi suất tiết kiệm gồm nhiều nhà băng tư nhân như DongA Bank, OceanBank, VietBank, GPBank, Agribank, Bac A Bank, NCB, OCB, BVBank, ACB, PGBank và Nam A Bank.

Tính từ tháng 4 đến nay, tháng 9 có ít ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất nhất. Chiều ngược lại, ABBank giảm lãi suất huy động trong tháng 9 với mức giảm 0,1- 0,4 điểm %/năm các kỳ hạn 1-12 tháng.

Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 5%/năm, hiện lên cao nhất là 6,2%/năm. Hiện tại, hầu hết ngân hàng đều trả lãi suất từ 5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng nhưng đa phần là ngân hàng quy mô vừa, nhỏ. 

Số ít nhà băng đang niêm yết lãi suất huy động ở mức trên 6%/năm. Đơn cử, SHB niêm yết lãi suất 6,1%/năm với tiền gửi kỳ hạn từ 36 tháng trở lên. Saigonbank niêm yết 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Lãi suất ngân hàng cao nhất tại HDBank đạt 6,1%/năm khi khách hàng gửi tiền kỳ hạn 18 tháng. Mức lãi suất tiết kiệm này cũng được DongA Bank niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng.

NCB áp dụng mức lãi suất 6,15%/năm cho kỳ hạn 24 tháng hiện là lãi suất huy động cao nhất theo công bố, OceanBank áp dụng mức lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, Bac A Bank áp dụng mức lãi suất 6,05%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.

*Biểu lãi suất tiết kiệm một số ngân hàng (đơn vị: %/năm)

Ngân hàng  1 tháng 3 tháng 6 tháng 12 tháng
 Agribank 2 2,5 3,3 4,7
 BIDV 2  2,3 3,3 4,7
 VietinBank 2 2,3  3,3 4,7
 Vietcombank 1,6 1,9 2,9 4,6
 ABBank 3,2 3,7 5 5,6
 ACB 3,1 3,5 4,2 4,9
 Eximbank 3,8 4,3 5,2 5,2
 LPBank 3,4 3,54,7  5,1
 MB 3,3 3,7 4,4 5,1

"Lãi suất đặc biệt" của các ngân hàng ra sao?

Một số ngân hàng niêm yết "lãi suất đặc biệt" dành cho khách VIP. PVCombank duy trì chính sách "lãi suất đặc biệt" cao nhất thị trường, lên tới 9,5%/năm khi gửi tiền tại quầy với điều kiện khách hàng cần gửi kỳ hạn 12-13 tháng, số tiền từ 2.000 tỷ đồng trở lên.

DongA Bank, ACB, MSB... cũng đang duy trì lãi suất đặc biệt. Tại MSB, lãi suất đặc biệt giảm từ 8,5%/năm xuống còn 7%/năm, với điều kiện khách hàng có số dư tối thiểu 500 tỷ đồng và gửi kỳ hạn 12-13 tháng.

MSB còn áp dụng chính sách "lãi suất đặc biệt" dành cho khách hàng "bình dân", lãi suất thực cao hơn từ 0,3-0,5%/năm so với biểu lãi suất trực tuyến.

HDBank niêm yết "lãi suất đặc biệt" với tiền gửi kỳ hạn 13 tháng lên tới 8,1%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,7%/năm cho tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ. Các mức lãi suất này cao hơn từ 2,3%-2,5%/năm so với tại quầy.

DongA Bank trả "lãi suất đặc biệt" tới 7,5%/năm kỳ hạn 13 tháng, cao hơn 2,2%/năm so với lãi suất niêm yết, khách hàng cần có số dư tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên.

Hạn mức tiền gửi 200 tỷ đồng là điều kiện để Ngân hàng ACB cho khách hàng được hưởng "lãi suất đặc biệt" khi gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 13 tháng.

Tháng 10, gửi tiền ngân hàng nào nhận lãi cao nhất? - 1

Chỉ một số ngân hàng niêm yết lãi suất trên 6%/năm (Ảnh: Mạnh Quân).

Lãi suất có thể tăng thận trọng

Trước đó, theo thống kê từ báo cáo tài chính quý II của nhiều ngân hàng, số dư tiền gửi của phần lớn ngân hàng tăng thấp hơn cùng kỳ trong bối cảnh giải ngân tín dụng hạn chế. Thậm chí, có một số đơn vị ghi nhận lượng tiền gửi giảm so với đầu năm như Vietcombank giảm 1,8%; TPBank giảm 2,5%; PVcomBank giảm 1,44%, VietABank giảm 0,34%; ABBank giảm 14,52% và Saigonbank giảm 0,17%.

Không ít ngân hàng xảy ra tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp hơn huy động. Như Vietcombank, huy động giảm song tăng trưởng tín dụng tới 7,8%. Hay tại Techcombank, tín dụng 6 tháng đầu năm tăng khoảng 13%, trong khi huy động vốn chưa tới 6%. Ở VPBank, cho vay tăng 11,2% còn tín dụng tăng 6,6%...

Diễn biến huy động tăng thấp so với tín dụng trong nửa đầu năm nay được không ít chuyên gia đánh giá do người dân có xu hướng rút tiền gửi đổ vào các kênh khác có tỷ suất sinh lời tốt hơn như mua vàng, bất động sản, chứng khoán... Huy động tiền gửi dù tăng song nền lãi suất tiền gửi vẫn được cho là ở mức thấp, chưa thu hút người dân.

Các nhà băng cũng tăng phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm. Đây là kênh huy động dài hạn, giúp các nhà băng đảm bảo cấu trúc vốn theo quy định.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng xu hướng tăng của lãi suất huy động trong nửa cuối năm nay nhưng với lãi suất cho vay cũng sẽ có điều chỉnh tăng theo lãi suất huy động.

"Việc lãi suất tăng là dấu hiệu của sự sôi động kinh tế, khi cả cá nhân lẫn doanh nghiệp đều gia tăng nhu cầu vay vốn. Điều này thúc đẩy các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất huy động nhằm thu hút thêm tiền gửi để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn từ khách hàng", ông nêu.

Chuyên gia này nói thêm, tăng lãi suất là giải pháp để thu hút dòng tiền mới, đảm bảo thanh khoản nhưng đồng thời cũng làm tăng chi phí vay vốn do biên độ lợi nhuận các ngân hàng cần duy trì thường là 3-4%. 

Chuyên gia tài chính Huỳnh Hoàng Phương lại cho rằng mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn duy trì mức lợi suất thực dương nhưng không quá cao trong 2-3 năm tới. "Do đó, tiền gửi vẫn phát huy vai trò vừa sinh lãi vừa có tính thanh khoản cao, độ linh động cao cho nhu cầu chờ tái phân bổ cho nhà đầu tư", ông Phương nêu.