Tham nhũng, lợi ích nhóm: Lo xảy ra vụ việc như tại Điện Quang, AVG
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ thừa nhận, việc xử lý tình trạng lợi ích nhóm là một nhiệm vụ khó khăn hiện nay vì các đối tượng đều là những người có chức vụ, quyền hạn, có mối quan hệ thân quen, bền chặt, khăng khít, có điều kiện để cản trở việc phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng.
Lo tham nhũng, lợi ích nhóm trong cổ phần hoá
Cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị cần có quy định chặt chẽ hơn của pháp luật để giải quyết vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, hạn chế tình trạng để xảy ra những vụ việc như vụ Công ty Điện Quang, AVG...
Trả lời về nội dung này, Thanh tra Chính phủ khẳng định, Chính phủ thời gian qua đã ban hành một số văn bản về lĩnh vực này nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, gần đây nhất là Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
Theo Thanh tra Chính phủ, những quy định trên đã góp phần hữu hiệu trong việc kiểm soát, ngăn ngừa sai phạm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ tăng cường hoạt động thanh tra việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, đồng thời qua công tác thanh tra kiến nghị sửa đổi những quy định liên quan đến hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm ngăn chặn vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
"Thanh tra Chính phủ tiếp thu ý kiến của cử tri, trong quá trình hoàn thiện Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ phối hợp với các bộ ngành hữu quan hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hạn chế xảy ra những vụ việc tiêu cực như thời gian qua", Thanh tra Chính phủ cho biết.
Bên cạnh vấn đề tham những trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, cử tri Long An tiếp tục phản ánh về tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm nói chung trong nền kinh tế và đề nghị Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm.
Vấn đề này, Thanh tra Chính phủ cho biết, để phát hiện, xử lý các hành vi pháp luật của nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan về lợi ích với nhau (thường gọi là lợi ích nhóm) là việc được Chính phủ và ngành thanh tra quan tâm thực hiện.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành thanh tra đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn ngành Thanh tra đã phát hiện vi phạm 9.814 tỷ đồng, 32.627 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 7.875 tỷ đồng và 357 ha đất (đã thu hồi 1.924 tỷ đồng).
Đồng thời, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 563 tập thể, 135 cá nhân; ban hành 51.305 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 5.889 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 42 vụ, 46 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
"Việc xử lý tình trạng lợi ích nhóm là một nhiệm vụ khó khăn hiện nay vì các đối tượng đều là những người có chức vụ, quyền hạn, có mối quan hệ thân quen, bền chặt, khăng khít, có điều kiện để cản trở việc phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng. Hiện nay các quy định của pháp luật về lợi ích nhóm và xử lý tình trạng này đang còn thiếu, cũng gây khó khăn cho quá trình phát hiện, xử lý", Thanh tra Chính phủ thừa nhận.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hạn chế tình trạng lợi ích nhóm.
Lương thỏa đáng cho lãnh đạo cao cấp
Cử tri tỉnh Đồng Nai phản ánh, hiện nay, dư luận xã hội quan tâm đến việc phát hiện, xử lý các vụ trọng án kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đối với những cán bộ cao cấp để xảy ra tham nhũng hay bản thân họ tham nhũng thì xử lý trách nhiệm như thế nào? đề nghị làm rõ và thu hồi tài sản cho quốc gia.
Vẫn theo cử tri Đồng Nai thì cần xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh, hiệu quả lâu dài và đồng thời xây dựng hệ thống lương thỏa đáng cho các vị lãnh đạo cao cấp để hạn chế tình trạng tham nhũng.
Trả lời, Thanh tra Chính phủ khẳng định, trong thời gian qua Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực, khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với mức án nghiêm minh, đúng pháp luật và thu hồi nhiều tài sản thất thoát cho Nhà nước được dư luận đánh giá cao.
Để tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về phòng chống tham nhũng và tích cực ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng tham nhũng, Chính phủ đã và đang tích cực triển khai công tác phòng chống trên quan điểm phải sử dụng tổng thể các giải pháp phòng, chống tham nhũng, vừa tích cực, chủ động trong phòng ngừa, vừa kiên quyết trong phát hiện, xử lý, bất cứ người vi phạm ở cấp nào.
Trong đó tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng chống tham nhũng, lãng phí. Sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Hoàn thiện các quy định để quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi ngân sách; việc chi tiêu công, nhất là mua sắm và đầu tư công. Hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn của Nhà nước. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng, đầu tư xây dựng.
Cơ quan trả lời cử tri cho biết, để xây dựng hệ thống lương thỏa đáng cho cán bộ, công chức nhất là các vị trí lãnh đạo cao cấp để hạn chế tình trạng tham nhũng, Chính phủ đang khẩn trương triển khai xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới để áp dụng thống nhất từ năm 2021 theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa 12.
Trong đó tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Phương Dung