Đại biểu kiến nghị kiểm soát chặt doanh nghiệp “sân sau” để chống tham nhũng

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội lưu ý luật cần có quy định rõ ràng về khối doanh nghiệp tư nhân tiếp tay cho khu vực công tham nhũng, tức doanh nghiệp "sân sau".

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội).
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội).

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Đại biểu Hoàng Văn Cường thẳng thắn: "Những người đã có đủ mưu mô để tham nhũng tiền nhà nước thì cũng thừa thủ đoạn che giấu tài sản đó. Việc xử lý tài sản là quá muộn so với việc phòng ngừa".

Do đó, theo vị đại biểu Quốc hội, quan trọng là công tác phòng, chống tham nhũng chứ không phải xử lý tài sản tham nhũng.

Ông lưu ý luật cần có quy định rõ ràng về khối doanh nghiệp tư nhân tiếp tay cho khu vực công tham nhũng, tức doanh nghiệp "sân sau".

"Cần quy định đối tượng cần kiểm soát là những doanh nghiệp tư nhân có quan hệ về kinh tế như cung cấp, mua bán tài sản, cung cấp dịch vụ... cho khu vực công. Theo đó, phải thực hiện kiểm toán công khai tài chính 3 năm; kiểm soát đường đi của đồng tiền từ ngân sách đến khâu cuối cùng chứ không phải chỉ kiểm soát trên hoá đơn chứng từ là đủ", ông Cường góp ý.

Ông Cường cũng cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ gây khó khăn cho hành vi đưa hối lộ. Do đó, ông Cường đề nghị Chính phủ cần có biện pháp tài chính để tất cả giao dịch mua bán hàng hoá, dịch vụ liên quan đến sử dụng tiền vốn, tài sản của ngân sách nhà nước đều không dùng tiền mặt.

Đại biểu Phạm Văn Hoà – Đồng Tháp cũng cho rằng, nạn tham nhũng đã và đang lan toả ngoài khu vực Nhà nước, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.

Hành vi tham nhũng khu vực tư nhân gây ra ảnh hưởng rất lớn tới xã hội, điển hình như các hành vi trục lợi đầu tư, mua chuộc quan chức, đưa và nhận hối lộ vì trục lợi mà không phải phục vụ cho lợi ích xã hội. "Mặc dù không phải từ ngân sách nhưng suy cho cùng cũng là nguồn của dân, nên phải sử dụng đúng mục đích, tránh thất thoát vào túi riêng của những người có quyền", ông Hoà nói.

Tại dự thảo Luật lần này, liên quan đến xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu 2 phương án.

Phương án 1, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ do tòa án xem xét, quyết định.

Phương án 2, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, sẽ chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế để thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh sự cần thiết mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước bởi thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.

Phương Dung

Đại biểu kiến nghị kiểm soát chặt doanh nghiệp “sân sau” để chống tham nhũng - 2