“Thâm cung bí sử” giá gas
Không ai biết Tổng cty Khí Việt Nam đang kinh doanh mặt hàng khí hóa lỏng như thế nào. Chỉ biết, doanh nghiệp này đang chiếm 80% thị phần nhưng chưa lần nào kêu lỗ. Ấy vậy mà mỗi khi giá thế giới tăng thì gas trong nước do đơn vị này cung ứng ra cũng tăng.
Giá gas vừa tăng thêm 51.000 đồng/bình 12 kg. Với mức tăng này, giá gas bán lẻ tới tay người tiêu dùng trong tháng 9 đã sấp ngửa 410.000 – 420.000 đồng/bình.
Giải thích lý do tăng giá, ông Đỗ Trung Thành, Phó phòng kinh doanh gas của Saigon Petro nói: giá CP thế giới vừa công bố là 950 USD/tấn, tăng 175 USD/tấn so với giá CP tháng 8.
Đây là tháng thứ 2 liên tiếp giá gas có mức tăng trên 10%. Trước đó, vào ngày 1- 8, giá gas cũng đã có mức tăng 52.000 đồng/bình 12kg.
Các công ty khác trong nước như MT gas, Vinagas… cũng công bố bảng giá tương tự kèm lời giải thích, giá gas tăng cao do tình hình thế giới biến động. Như vậy, chỉ tính riêng trong khoảng thời gian từ 1-8 đến 1-9, với 2 lần tăng, người tiêu dùng đã buộc phải chi thêm 102.000 đồng cho bình gas 12 kg.
Có thể thấy giá gas trong nước cao không chỉ do ảnh hưởng từ giá thế giới, mà nguyên nhân lớn đang nằm ở khâu phân phối và các tổng đại lý.
Hiện nay, cả nước có 24 doanh nghiệp được phép nhập khẩu gas với gần 80 công ty kinh doanh. Trong đó anh cả nắm trọn 80% thị phần gas là Tổng công ty Khí Việt Nam. Đơn vị này chia tỷ lệ 50% nhập khẩu và 50% mua trong nước.
Từ Tổng công ty, các doanh nghiệp "em út” khác như Đại Việt (Vinagas), MT Gas đến ký các hợp đồng mua bán dài hạn 3 hoặc 6 tháng, rồi đưa hàng ra thị trường. Như vậy, có nghĩa là nguồn gas dự trữ của Tổng công ty rất lớn, luôn đảm bảo hàng đầy đủ. Thế nhưng mỗi lần giá thế giới tăng, thì thị trường trong nước bị tác động tức thì và chưa một lần, Tổng công ty có động thái gì có lợi cho người tiêu dùng. Bằng chứng là giá mà người tiêu dùng gánh chịu luôn sát với giá thế giới.
Điểm lại thị trường gas cho thấy, mức độ mỗi lần tăng giá là khá đồng đều nhau. Đầu tháng 2, giá gas tăng 42.000 đồng/bình 12kg. Đến ngày 1-3 giá lại tăng 62.000 đồng bình. Trong khi đó mỗi lần giảm thì lại không đồng nhịp cùng nhau, lần 10.000 đồng/ bình, lần 30.000 đồng/bình.
Đại gia ít được nhắc tiếng
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chia sẻ: "Biết là vô lý nhưng phải chấp nhận. Bởi giá gas và câu chuyện lợi ích nhóm đang quá lớn”. Thực chất gas và xăng có diễn biến tương đồng nhau. Chỉ tăng nhưng ít chịu giảm. Nhưng nếu cứ tiếp diễn đà tăng giá gas như vậy chắc chắn chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mà nhìn xa là lạm phát sẽ chực bùng phát lúc nào khó biết. CPI tháng 8 vừa rồi tăng 0,68% phần lớn là do việc tăng giá gas và giá xăng dầu.
Nhiều chuyên gia trong ngành nói, thực chất gas và xăng dầu đang mắc cùng một căn bệnh trầm kha giống nhau vì cơ quan quản lý thả nổi giá cho doanh nghiệp. Người tiêu dùng thì không thể kiểm soát được giá bán vì không có dữ liệu, căn cứ gì về giá nhập, giá hải quan, giá thế giới… nếu như doanh nghiệp không hé lộ.
Và mỗi lần tăng giá gas, báo giới chỉ điểm mặt các hãng Sài gòn Petro, Đại Việt… không mảy may nhắc đến đến "ông lớn” Tổng công ty Khí Việt Nam. Trong khi đó Tổng công ty này với khả năng dự trữ hàng lớn thì hoàn toàn có thể bình ổn được thị trường, hoặc kéo dãn được thời gian tăng giá gas nội địa.
Nhiều chuyên gia nói, Tổng công ty này kín về giá gốc, lượng gas còn tồn trong tháng trước (đã được mua giá thấp), lượng gas gối đầu phải nhập ở thời điểm cao… Tức là hàng trăm vấn đề nằm ở diện "thâm cung bí sử”.
Thực chất, thị trường gas có đến 80% nét tương đồng với thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, Petrolimex có nhiều điều khó xử hơn vì dẫu sao vẫn còn kêu lỗ, mỗi lần tăng giá cũng phải báo cáo với Bộ Tài chính.
Còn ngành gas, chưa một lần nào thấy hé miệng "than lỗ”. Cứ tăng giá trước rồi đăng ký giá bán sau cũng chẳng việc gì. Giá thế giới cao thì người tiêu dùng chịu mua cao, doanh nghiệp nhập khẩu cứ việc nhập và phân phối để hưởng lãi.
Theo Hồ Hương
Đại đoàn kết