Thách thức 5.000 tỉ USD

Nỗi lo của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia Diễn đàn WEF tuần qua là làm sao tạo ra nguồn thu mới 5.000 tỉ USD/năm trong một thế giới tăng trưởng thấp.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
 
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có mặt tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ) tuần qua có nhiều thứ để lo. Nào là cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, sự phục hồi chưa rõ ràng của Mỹ cho đến bất ổn chính trị thế giới. Nhưng mấu chốt vấn đề của họ rất đơn giản: Làm thế nào để tìm ra nguồn thu mới trong một thế giới đang tăng trưởng thấp.

Đã 5 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, giờ nhà đầu tư muốn lợi nhuận tăng lên không phải chỉ nhờ vào việc cắt giảm chi phí. Hiện nay, họ quan tâm đến việc đâu là con đường đưa doanh nghiệp quay trở lại thời kỳ tăng trưởng, để tạo ra 5.000 tỉ USD. Đó là số doanh thu tăng thêm mà 1.200 doanh nghiệp hàng đầu thế giới cần phải làm ra mỗi năm, theo hãng tư vấn Accenture.

Thận trọng

Trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới, nhưng họ vẫn thận trọng trong đầu tư vì không còn tự tin vào triển vọng kinh doanh trong tương lai gần.

Theo khảo sát hằng năm của hãng tư vấn và kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) với 1.330 tổng giám đốc (CEO) trên toàn thế giới, chỉ 36% rất tự tin về triển vọng tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp mình trong 12 tháng tới, giảm từ mức 40% cách đây 1 năm.

Tâm lý bi quan này cũng dễ hiểu khi hầu hết các nước châu Âu đang chìm trong suy thoái, tăng trưởng tại Trung Quốc và Ấn Độ đang chậm lại và Mỹ vẫn chưa cho thấy sự phục hồi rõ ràng.

“Các CEO chứng kiến một nền kinh tế toàn cầu đang chật vật gượng dậy. Điều đó rõ ràng tác động đến niềm tin của họ vào triển vọng phát triển của công ty mình”, Dennis Nally, Chủ tịch PricewaterhouseCoopers International, nhận xét.

Ông nói thêm: “Họ đang điều hành doanh nghiệp một cách thận trọng, chưa chuẩn bị để triển khai các hoạt động đầu tư đáng kể nào hoặc tuyển dụng thêm cho đến khi thấy được các tín hiệu vĩ mô rõ ràng hơn”.

Các công ty đã đối phó với những thời khắc khó khăn bằng cách điều kinh doanh chặt chẽ hơn. Trong đó, cắt giảm chi phí là ưu tiên hàng đầu. Tâm lý chán chường cũng đe dọa triển vọng việc làm khi chỉ có 45% CEO có ý định tuyển dụng thêm trong năm 2013, giảm từ mức 51% của năm 2012, trong khi 23% cho biết sẽ cắt giảm lao động.

Chưa hết hy vọng

Tăng trưởng kinh tế tại hầu hết các khu vực trên thế giới đều không cao, nhưng theo giới phân tích, hy vọng tìm kiếm nguồn thu mới không phải là không thể. Thậm chí, họ còn dự báo một sự tăng trưởng doanh thu cao hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

Từ giữa tháng 1.2013, Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu 2013 xuống còn 2,4%, trong đó chỉ 1,3% ở các thị trường phát triển. Nhưng các chuyên gia phân tích lại dự báo doanh thu của các công ty sẽ tăng trưởng 7,8% tại châu Á (ngoại trừ Nhật), 3,8% tại Mỹ và 2,4% ở khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Họ cũng đều cho rằng doanh thu năm 2014 sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa, đặc biệt tại Mỹ.

Hiện tại, các nhà điều hành doanh nghiệp cho biết họ chưa lạc quan. Tuần qua, tập đoàn công nghiệp Đức Siemens đã khuyến cáo nhu cầu công nghiệp đang suy yếu, trong khi Unilever lại cho rằng điều kiện kinh tế khá là khắc nghiệt, mặc dù tập đoàn hàng tiêu dùng Mỹ này đã ra sức “phản đòn” bằng cách tăng cường cải tiến sản phẩm.

Trong một thế giới đang tăng trưởng chậm lại, sự nhanh nhạy là chìa khóa quan trọng khi các công ty chuyển từ chiến lược đầu tư “có phạm vi phủ sóng rộng” sang chiến lược cụ thể và tập trung hơn để có thể giành thị phần lớn hơn.

Các thương vụ M&A sẽ là con đường để nhà lãnh đạo doanh nghiệp “mua” sự tăng trưởng. Nhưng họ vẫn rất do dự đối với những thương vụ quy mô lớn, mặc cho tín dụng đang rẻ hơn và mức độ biến động giá tương đối thấp. Theo khảo sát của PwC, niềm tin của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đối với M&A đang ở mức thấp nhất trong 6 năm qua.

Một điều quan trọng là các doanh nghiệp phải tìm ra những cách làm thông minh hơn để phục vụ tốt hơn các phân khúc thị trường hiện có của mình, đồng thời đầu tư một cách chọn lọc vào những phân khúc mới. Việc này đòi hỏi họ phải biết triển khai công nghệ số để bắt kịp những thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Các thị trường mới nổi là đích nhắm của nhiều công ty, nhất là các công ty hàng tiêu dùng và hàng xa xỉ. Chiến lược tập trung vào thị trường này đã mang lại kết quả lạc quan cho không ít công ty. Chẳng hạn, doanh số bán của Unilever đã tăng 7,8% đạt 16,8 tỉ USD trong quý IV/2012 nhờ nhu cầu tăng mạnh tại các nước đang phát triển.

Địa lý cũng là một đòn bẩy quan trọng để phát triển doanh thu. Đối với các công ty Tây Ban Nha đang khổ sở vì sức mua trong nước ảm đạm, thị trường Mỹ Latinh đã trở thành mục tiêu chính do họ có lợi thế ngôn ngữ, nhờ đó đã giúp các công ty viễn thông như Telefonica tăng được doanh số.

Một số khác thì đặt cược rằng Mỹ sẽ hồi phục mạnh trong năm nay, trong đó có hãng xe Đức BMW và tập đoàn thời trang Hugo Boss.

Ông Mark Spelman, đứng đầu bộ phận chiến lược toàn cầu của Accenture, cho rằng: “Các công ty cần phải có tầm nhìn xa hơn nữa, không chỉ tập trung vào các thị trường mới nổi và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh, mà còn phải nhìn vào những phân khúc có sự thay đổi đáng kể về hành vi tiêu dùng”.

Để tạo ra 5.000 tỉ USD doanh thu mới trong điều kiện kinh tế khó khăn, chắc chắn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải vắt óc suy nghĩ và sẽ không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào.

Theo Đàm Hoa 
Nhịp cầu Đầu tư/Reuters