Tất cả ngân hàng ở Sri Lanka bất ngờ tạm đóng cửa

Ngành ngân hàng của Sri Lanka đã chịu nhiều tác động do các khoản nợ xấu và thuế ngày càng tăng.

Theo Nikkei Asia, tất cả ngân hàng ở Sri Lanka đã đồng loạt đóng cửa từ ngày 29/6 cho một kỳ nghỉ 5 ngày chưa từng có. Động thái trên nằm trong nỗ lực tái cấu trúc khoản nợ trong nước trị giá hơn 42 tỷ USD của quốc gia này.

Giới chuyên gia cho biết kế hoạch này cho thấy Sri Lanka muốn cho các chủ nợ bên ngoài như Trung Quốc và các tổ chức tư nhân thấy rằng họ đang tìm cách giải quyết vấn đề đồng thời giảm thiểu tác động đối với lĩnh vực tài chính trong nước.

Đầu tuần này, Tổng thống Ranil Wickremesinghe cho biết tổng nợ công của Sri Lanka đã lên tới con số 83,7 tỷ USD vào cuối năm 2022, bằng 128,3% GDP. Trong số đó, khoản nợ nước ngoài là 41,5 tỷ USD và nợ trong nước là 42,1 tỷ USD.

Ông Wickremesinghe cũng trấn an công chúng rằng việc tái cấu trúc sẽ không gây ra sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng và nhấn mạnh tiền gửi của hơn 50 triệu cá nhân sẽ không bị ảnh hưởng. Thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka, ông Nandalal Weerasinghe cho biết điều quan trọng hiện tại là bảo vệ lĩnh vực này vì sự sụp đổ sẽ gây ra hậu quả thảm khốc.

Tất cả ngân hàng ở Sri Lanka bất ngờ tạm đóng cửa - 1

Một ngân hàng ở Sri Lanka (Ảnh: Action Lab).

Một chuyên gia tài chính cho biết ngành ngân hàng của Sri Lanka đã chịu nhiều tác động do các khoản nợ xấu ngày càng tăng cũng như thuế tăng chóng mặt.

Ông Peter Breuer, trưởng phái đoàn cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Sri Lanka, chia sẻ với Nikkei: "Quốc gia này cần đạt được thỏa thuận với tất cả chủ nợ một cách nhanh chóng. Đây là điều cần thiết để loại bỏ sự không chắc chắn đang bao trùm lên nền kinh tế và kìm hãm sự phục hồi của họ".

Theo Reuters, Sri Lanka đang ở trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Năm ngoái, quốc gia 22 triệu dân này đã tuyên bố vỡ nợ 50 tỷ USD với nước ngoài và sẽ nhận được khoản cứu trợ có điều kiện trị giá 2,9 tỷ USD của IMF

Trước khi vỡ nợ, Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men. Tình trạng lạm phát cũng tăng cao khiến người có thu nhập thấp tại quốc gia này càng dễ bị tổn thương.

Theo Hạnh Vũ

Fica.vn 

Theo Fica