DNews

Li Băng và khủng hoảng từ cảnh cướp đến ngân hàng cướp tiền của chính mình

Hạnh Vũ

(Dân trí) - Ngân hàng Thế giới đánh giá những gì đang xảy ra tại Li Băng là sự kiện "có khả năng xếp trong top 3 cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất toàn cầu kể từ giữa thế kỷ 19".

Li Băng và khủng hoảng từ cảnh cướp đến ngân hàng cướp tiền của chính mình

Banque du Liban - ngân hàng trung ương của Li Băng - đã gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính khiến hàng triệu người gửi tiền tại ngân hàng không thể tiếp cận khoản tiết kiệm của họ. Thậm chí, một số người còn chuyển sang dùng các biện pháp cực đoan.

Đến ngân hàng cướp tiền gửi tiết kiệm của chính mình

Gia đình Hafiz đang rất muốn lấy lại tiền từ Ngân hàng Blom SAL. Trước đó, họ gửi tiết kiệm 20.000 USD. Số tiền dự định được dùng để điều trị ung thư não cho cô con gái Nancy.

Khi Nancy quá yếu, chị gái của cô là Sali đã cầu xin ngân hàng này trả tiền cho họ vì Nancy không còn nhiều thời gian nếu không được chữa trị kịp thời.

Đáp lại, người quản lý cho biết anh ta có thể hỗ trợ gia đình cô rút 200 USD/tháng. Điều đó khiến họ rất bức xúc vì chẳng khác nào bản án tử hình cho Nancy. Ban đầu, Sali dự tính bán một quả thận nhưng sau đó, cô và người em gái thứ ba là Ikram quyết định đến ngân hàng với một khẩu súng lục giả và một can xăng trong tay.

Vào một buổi sáng tháng 9 năm ngoái, Sali phát trực tiếp vụ cướp ngân hàng của mình lên internet. Cô lao về phía quầy của một chi nhánh ngân hàng Blom ở Beirut, đe dọa nhân viên bằng khẩu súng lục đồ chơi của cháu trai mình. Mọi người hét lên sợ hãi và tìm chỗ ẩn nấp.

Sali nói lớn: "Hôm nay tôi đến đây để lấy tiền của em gái tôi". Trong khi đó, Ikram đã đổ xăng lên người và đe dọa sẽ tự thiêu nếu nhân viên ngân hàng không giao nộp tiền mặt. Cuối cùng, họ cướp được 13.000 USD, số tiền đủ để bắt đầu điều trị cho Nancy, và vứt súng chạy trốn khỏi hiện trường.

Li Băng và khủng hoảng từ cảnh cướp đến ngân hàng cướp tiền của chính mình - 1

Sali (áo trắng) trong một cuộc biểu tình ở Beirut (Ảnh: Bloomberg).

Cuối tuần đó, mẹ của họ là bà Hiam Hafiz, xuất hiện trên bản tin địa phương nhưng để nói rằng họ không cướp tiền của người khác mà cướp số tiền họ đã gửi vào ngân hàng.

Vụ cướp của chị em nhà Hafiz là một trong 8 vụ việc tương tự xảy ra chỉ trong một tháng ở Li Băng khi những người gửi tiền chuyển sang cướp ngân hàng để đòi lại tiền tiết kiệm của mình. Một loạt thảm họa chồng chéo đã đẩy họ đến tình cảnh này, bao gồm vụ nổ chết người năm 2020 tại cảng Beirut khiến ít nhất 218 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, trung tâm của vấn đề là sự sụp đổ đang diễn ra của hệ thống ngân hàng của nước này khiến các ngân hàng thương mại áp đặt biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt cũng như phong tỏa tiền tiết kiệm của người dân.

Một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá những gì đang xảy ra tại Li Băng là sự kiện "có khả năng xếp trong top 3 cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất toàn cầu kể từ giữa thế kỷ 19".

Tâm chấn cuộc khủng hoảng là ngân hàng trung ương của Li Băng. Riad Salameh đã điều hành nơi này trong 30 năm, khiến ông trở thành Thống đốc ngân hàng trung ương phục vụ liên tục lâu nhất trên thế giới.

Nhiều năm trước, những con đường sang trọng ở Beirut chật cứng xe thể thao. Ở phía trên, cư dân khui rượu sâm-panh tại các quán bar trên sân thượng nhìn ra biển Địa Trung Hải.

Dù vậy, kỷ nguyên kiếm tiền dễ dàng không tồn tại mãi. Khi mọi thứ trở nên khó khăn hơn, Banque du Liban bắt đầu gặp khó trong việc trả nợ và các ngân hàng thương mại của nước này cũng bắt đầu chao đảo.

Để giải quyết, Salameh đưa ra giải pháp dựa vào chính các ngân hàng thương mại để lấp lỗ hổng dự trữ tiền mặt. Khi người dân bắt đầu cảm thấy sức nóng của việc chi phí sinh hoạt tăng cao, giải pháp trên bắt đầu bị đình trệ và hệ thống tài chính của Li Băng bắt đầu rơi vào khủng hoảng.

Theo Bloomberg, nền kinh tế Li Băng đang trong tình trạng hỗn loạn. Lạm phát lên tới 170% vào năm ngoái và các cơ quan xếp hạng tín dụng cho biết tỷ lệ này có thể còn tồi tệ hơn vào năm nay.

Thay vì rút toàn bộ số tiền theo ý muốn, người dân chỉ có thể rút được một khoản nhỏ giống như lời mà quản lý ngân hàng nói với gia đình Hafiz. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều gia đình đang rơi vào tình trạng cùng cực. Các vụ cướp thực phẩm, thuốc men cơ bản, sữa bột trẻ em và tã lót đang gia tăng.

Một người giúp chị em nhà Hafiz lên kế hoạch cho vụ cướp ngân hàng cho biết: "Mọi người chỉ muốn đòi lại tiền để trang trải cuộc sống".

Trong khi đó, Salameh vẫn duy trì lối sống xa hoa. Không chỉ Salameh, những người trong gia đình ông cũng được hưởng lợi không ít. Năm 2001, Raja (anh trai của Salameh) thành lập công ty Forry Associates ở Quần đảo Virgin (Anh).

Li Băng và khủng hoảng từ cảnh cướp đến ngân hàng cướp tiền của chính mình - 2

Chân dung Riad Salameh - Thống đốc ngân hàng trung ương Li Băng (Ảnh: Bloomberg).

Theo một cuộc điều tra năm 2022 của Reuters, trong hơn một thập kỷ, Banque du Liban đã tính phí hoa hồng của các ngân hàng thương mại khi họ mua chứng khoán chính phủ mà không tiết lộ rằng phần lớn số tiền hoa hồng đó đã được chuyển cho Forry.

Các nhà chức trách châu Âu nghi ngờ công ty của Raja đã chuyển hơn 300 triệu USD tiền lãi vào các tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ. Tuy gia đình Salameh phủ nhận nhưng chính quyền Li Băng và châu Âu đã dành nhiều năm điều tra cách những người này mua hàng chục triệu USD bất động sản trên khắp châu Âu.

Jeffrey Feltman, cựu Đại sứ Mỹ tại Li Băng, nhận xét: "Có điều gì đó rất khó nắm bắt về Salameh. Là người có danh tiếng nhưng cách điều hành ngân hàng trung ương của ông ấy rất đáng ngờ".

Các chính sách mà Salameh đưa ra từng giúp Li Băng phần lớn tránh được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đến năm 2010, cứ 5 chiếc ô tô lưu thông trên đường phố của quốc gia này thì có 1 chiếc do Mercedes-Benz sản xuất. Lĩnh vực tài chính bùng nổ đã tạo ra một tầng lớp có tiền tại đây.

Việc được tín nhiệm giúp Salameh loại bỏ được áp lực từ các bộ trưởng, những người yêu cầu ông bán một số tài sản xa hoa của ngân hàng trung ương như máy bay riêng và sòng bạc.

Những chính sách sai lầm

Tuy nhiên, không lâu sau, mây đen bắt đầu tụ lại. Sau năm 2011, do ảnh hưởng của bất ổn tại nước láng giềng Syria, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quay lưng lại với khu vực này. Hậu quả là dòng vốn USD duy trì nền kinh tế của Li Băng giảm mạnh, đẩy họ lún sâu hơn vào nợ nần.

Giải pháp của Salameh là cứu trợ tài chính cho các ngân hàng đang gặp khó khăn, bắt đầu từ cuối năm 2015 với BankMed SAL và Bank Audi SAL. Cả 2 đều là tổ chức tài chính quốc gia lớn. Tuy  nhiên sau đó, Salameh đã đưa ra nhiều chính sách sai lầm, dẫn tới khó khăn của các ngân hàng thương mại.

Lạm phát cùng các biện pháp thắt chặt chi tiêu đã đẩy chi phí sinh hoạt cơ bản vượt quá khả năng của nhiều người Li Băng. Vào năm 2019, khi chính phủ đề xuất các mức thuế mới cao hơn, người biểu tình đã tràn ra đường để phản đối.

Đáp lại, Salameh đã đóng cửa các ngân hàng trong 2 tuần. Khi họ mở cửa trở lại, hàng dài người gửi tiền vẫn không biết mọi thứ sắp xảy ra tồi tệ như thế nào. Trong những tháng tiếp theo, các ngân hàng áp đặt các giới hạn rút tiền khắc nghiệt hơn, đặc biệt là đối với các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài.

Li Băng và khủng hoảng từ cảnh cướp đến ngân hàng cướp tiền của chính mình - 3

Một người lính rút tiền tại ATM để trang trải viện phí cho người thân (Ảnh: Bloomberg).

Doanh nghiệp đóng cửa, thất nghiệp tăng vọt và vào tháng 3/2020, Thủ tướng lúc bấy giờ của Li Băng là Hassan Diab tuyên bố quốc gia này chính thức vỡ nợ.

Một năm sau, Salameh phát biểu trên truyền hình rằng những biện pháp mà mình đưa ra là bắt buộc với mục đích cải cách Li Băng. Ông còn ngụ ý các quan chức chính phủ đã ủng hộ các chính sách đó.

Một số nguồn tin thân cận cho biết Salameh đã từ chối yêu cầu của các bộ trưởng về việc cung cấp danh sách cơ bản về tài sản và nợ của ngân hàng trung ương.

Tháng 6/2021, Salameh đáp máy bay riêng đến Paris, mang theo gần 100.000 USD tiền mặt. Ngay sau chuyến đi của Salameh, những người biểu tình ở Li Băng đã tràn ra đường, tập trung bên ngoài văn phòng ngân hàng trung ương yêu cầu ông và các cộng sự từ chức.

Kể từ đó, Salameh chủ yếu ở trong văn phòng trong khi hàng triệu người dân Li Băng chỉ rút được một phần rất nhỏ so với số tiền mà họ đã gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Giữa khủng hoảng, Salameh nói rằng ông sẽ thôi giữ chức vụ hiện tại vào tháng 7 tới thay vì tiếp tục đảm nhiệm tiếp một nhiệm kỳ 6 năm.

Tháng 5 vừa qua, công tố viên của Pháp và Đức đã ban hành lệnh bắt giữ Salameh liên quan đến cuộc điều tra trải dài trên 6 quốc gia. Các cáo buộc bao gồm mua bất động sản tại Pháp và Đức bằng hàng triệu USD tiền công quỹ đánh cắp của Li Băng.

Về phần mình, Salameh nói rằng những cáo buộc đó có động cơ chính trị và gọi lệnh bắt giữ của Pháp là bất hợp pháp. Bất chấp lệnh bắt, tại quê nhà, người đàn ông này vẫn bình an vô sự. Ông ta vẫn hút xì gà trong văn phòng riêng trong khi tầng lớp trung lưu của Li Băng đều đang chìm trong tuyệt vọng vì khủng hoảng.

Nội dung: Hạnh Vũ (tổng hợp)