Tập đoàn Hòa Bình hé lộ khoản lỗ lớn, mạnh dạn "đại phẫu" nhân sự
(Dân trí) - Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình công bố lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2022 âm 2.594 tỷ đồng, sẽ miễn nhiệm và bãi nhiệm 5 thành viên HĐQT, bầu thay thế 2 người.
Khoản lỗ 2.594 tỷ đồng năm 2022
Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa công bố các tờ trình của Hội đồng quản trị (HĐQT) tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023, dự kiến tổ chức ngày 27/6.
Hiện tại, tập đoàn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 nhưng trong tờ trình đã hé lộ các con số này. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 2.594 tỷ đồng, trong khi báo cáo công ty tự lập âm 1.138 tỷ đồng. Như vậy, số liệu sau kiểm toán biến động khá lớn so với báo cáo tự công bố.
Một số chỉ tiêu khác cũng có thay đổi so với báo cáo tự lập, như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu hay doanh thu. Tuy nhiên, mức thay đổi không đáng kể.
Với kết quả không có lợi nhuận của năm 2022, HĐQT đưa ra phương án không chia cổ tức cho cổ đông. HĐQT, ban điều hành và cán bộ trọng yếu cũng không có thưởng.
Năm nay, HĐQT trình mục tiêu tổng doanh thu 7.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng.
HĐQT trình cổ đông kế hoạch dự kiến phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu HBC, giá tối thiểu 12.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, số tiền thu về tối thiểu là 3.288 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền thu được từ các đợt chào bán được sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác (nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất), thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án. Thời gian triển khai trong năm nay hoặc sau khi Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận.
Biến động nhân sự và bầu bổ sung
Cuối năm 2022, đầu năm 2023, Xây dựng Hòa Bình có "cuộc chiến thượng tầng" giữa Chủ tịch HĐQT đương nhiệm Lê Viết Hải và nhóm ông Nguyễn Công Phú (người được sắp xếp làm Chủ tịch HĐQT nhưng sau đó HĐQT bãi bỏ quyết định).
"Cuộc chiến" này kết thúc, 4 trong 5 thành viên của nhóm ông Nguyễn Công Phú đã có đơn từ nhiệm, gồm các ông Nguyễn Công Phú, Albert Antoine, David Martin Ruiz và Lê Quốc Duy. Một thành viên còn lại là ông Dương Văn Hùng, Thành viên HĐQT độc lập, vẫn đang đảm nhận chức vụ.
Tại phiên họp đại hội này, HĐQT đề nghị cổ đông thông qua việc bãi nhiệm 4 thành viên theo luật định và miễn nhiệm thêm ông Dương Văn Hùng. Từ đó, cổ đông xem xét bầu thêm 2 thành viên mới, trong đó có một thành viên không điều hành. Ứng viên được ông Lê Viết Hải đề cử là ông Lê Văn Nam và ông Mai Hữu Thung.
Nếu 2 thành viên này được bầu, HĐQT tập đoàn sẽ gồm 5 người. Các thành viên khác là ông Lê Viết Hải (Chủ tịch), ông Lê Viết Hiếu (con ông Hải, Phó chủ tịch) và ông Nguyễn Tường Bảo (Thành viên độc lập).
Ông Nam hiện là Tổng giám đốc Xây dựng Hòa Bình, sinh năm 1976, tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư Xây dựng Đại học Bách Khoa TPHCM. Ông Nam được giới thiệu từng nhiều năm công tác tại Xây dựng Hòa Bình (từ 2011 đến 2019) và từng làm Phó tổng giám đốc khu vực miền Bắc của tập đoàn.
Còn ông Mai Hữu Thung sinh năm 1959, là Chủ tịch Công ty cổ phần Bất động sản Thành Ngân, Thành viên Ban kiểm soát Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1.
Ông Thung từng xuất hiện trong một công bố gần đây của tập đoàn này với vai trò là cổ đông chiến lược mới. Theo công bố, ông Mai Hữu Thung cùng cổ đông khác là ông Phạm Quang Hàng sẽ mua 12 triệu cổ phiếu HBC với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi đầu tư, 2 ông này sẽ nắm tổng số cổ phần bằng số cổ phần mà ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, đang nắm giữ (khoảng 17,5% vốn).
Công ty Thành Ngân, nơi ông Thung làm Chủ tịch, cũng có quan hệ giao dịch với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Theo công bố, tập đoàn sẽ mua lại 75% vốn góp của công ty Thành Ngân đạt tỷ lệ sở hữu 100% tại dự án 127 An Dương Vương, quận 6, TPHCM. Dự án này, theo ông Lê Viết Hải, rất tiềm năng, sẽ đem lại doanh thu và lợi nhuận lớn.