1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Tập đoàn Dầu khí: Dự án thua lỗ, như người ốm, vẫn cần tiền mua thuốc chữa

(Dân trí) - Sáng nay (19/7), tại buổi làm việc của Tổ công tác Chính phủ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), lãnh đạo PVN báo cáo các dự án yếu kém, thua lỗ cần xử lý như việc: Người ốm vẫn cần tiền mua thuốc chữa. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, ở đây chỉ là không bổ sung vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các dự án này.


Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn báo cáo với đoàn công tác

Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn báo cáo với đoàn công tác

Các dự án thua lỗ phải có phương án xử lý sớm

Tại buổi làm việc Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trước cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, đây là thời điểm này PVN khó khăn nhất nhưng chính vì thế, PVN càng phải quyết tâm, đoàn kết, thống nhất trong điều hành.

"Thủ tướng nói rằng, trong quá trình làm có kiểm tra, có sai sót thì sửa nhưng Tập đoàn cần phải có gắn kết, kỷ cương trong thăm dò, khai thác, quản lý dòng tiền, nhân sự ...", ông Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.

Ghi nhận một số kết quả sản xuất, kinh doanh khá tích cực của ngành dầu khí 6 tháng đầu năm nay về tổng sản lượng, doanh thu..., Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho rằng, ngành dầu khí vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn và có một số vấn đề cần phải giải trình.

Trước hết, về vấn đề đảm bảo sản lượng khai thác, theo ông Mai Tiến Dũng, PVN có vai trò lớn trong đóng góp chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của cả nước.

"Đầu năm, đã giao chỉ tiêu khai thác cho PVN là 12,2 triệu tấn dầu nay đã yêu cầu tăng thêm 1 triệu tấn thì thực tế con số này còn thấp hơn sản lượng đã khai thác năm 2016 mà nếu so với năm 2015 còn thấp hơn nữa (thấp hơn 3 triệu tấn)", ông Dũng lưu ý.

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, việc yêu cầu PVN tăng khai thác không đơn giản là lấy sản lượng mà phải căn cứ, tính toán đảm bảo cả hiệu quả khai thác và đảm bảo lâu dài về nguồn năng lượng cho đất nước.

"Thủ tướng lưu ý tập đoàn phải cố gắng tốt nhất trong kế hoạch thăm dò trong và ngoài nước. Phải đảm bảo chi phí, giá thành sao cho hiệu quả", ông Dũng nói.

Một vấn đề lớn được nếu trong buổi làm việc, theo ông Mai Tiến Dũng là việc xử lý, khắc phục tình trạng thua lỗ, đầu tư kém hiệu quả ở một số dự án của ngành dầu khí như các dự án Ethanol Phú Thọ, Bình Phước, Dung Quất, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ...mà Tập đoàn PVN phải có chủ trương sớm để khắc phục, xử lý.

"Các dự án đã đầu tư rồi nhưng kém hiệu quả, thua lỗ, khôi phục được thì tốt còn nếu không, phải có phương án sớm. PVN cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và xử lý tốt các dự án yếu kém, đẩy nhanh tiến độ xử lý nhanh các yếu kém theo tinh thần chỉ đạo mà Văn phòng Trung ương Đảng đã thông báo. Thủ tướng đã nêu quan điểm: Ngành công Thương xử lý theo nguyên tắc quản lý theo kinh tế thị trường, Nhà nước không cấp thêm vốn", ông Dũng nêu.

Một vấn đề nữa, theo Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ, hiện có một số nhà máy nhiệt điện của PVN đầu tư có tín hiệu chậm tiến độ như Nhiệt điện Sông Hậu, Thái Bình 2, Long Phú...đề nghị PVN đẩy nhanh để sớm đưa vào hoạt động vì đưa vào sớm tác động mạnh đến tăng trưởng ngành, tăng trưởng cả nước. Ông cũng đề nghị PVN đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá, cơ cấu lại các đơn vị thành viên: Điện lực, Dầu khí, Tổng công ty Dầu...

Cũng theo Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ, thời diểm này, ngành dầu khí cần xây dựng lại niềm tin của Tập đoàn nhất là kỷ cương, kỷ luật chấp hành các quy định của nhàn ước vê quản lý cán bộ, điều hành.

"Vừa qua có sự chững lại trong việc đôn đốc công việc, tổ chức cán bộ ...Nên PVN cần các giải pháp mạnh mẽ, cụ thể để khắc phục. Đề nghị giai đoạn này phải vượt qua, đoàn kết, nhất trí để đem lại niềm tin vào tập đoàn", ông nói rõ hơn.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, từ đầu năm 2016, Thủ tướng giao cho Tập đoàn Dầu khí 189 nhiệm vụ nhưng hiện vẫn còn 3 nhiệm vụ đã quá hạn mà PVN cần phải giải trình, lập Tổ công tác theo dõi, đánh giá, đôn đốc thực hiện và giải trình các việc chưa hoàn thành.

Nếu không có giải pháp tốt, 5-7 năm nữa, sản lượng dầu khai thác chỉ còn khoảng 5 triệu tấn/năm

Đại diện lãnh đạo của PVN cũng đã có báo cáo giải trình các vấn đề Tổ trưởng Tổ công tác Chính phủ nêu. Tổng giám đốc PVN, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, PVN vẫn cố gắng duy trì an toàn các mỏ hiện tại, hạn chế dừng khai thác mỏ ngoài kế hoạch ...thuyết phục đối tác nước ngoài chấp thuận các giải pháp bổ sung; tăng cường khai thác một số mỏ, đẩy mạnh thăm dò khai thác để đảm bảo sản lượng khai thác trong các năm tiếp theo.


Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu PVN giải trình một số vấn đề của ngành

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu PVN giải trình một số vấn đề của ngành

Ông Sơn cũng cho biết có những khó khăn nhất định về nguồn kinh phí cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí. "Hiện nay, Quỹ Tìm kiếm thăm dò và quy chế sử dụng chưa ra đời, trong khi các bộ, ngành phê duyệt quỹ đó, PVN xin tạm ứng cho các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí năm 2017", ông Sơn kiến nghị.

Theo ông Sơn, hiện nay, do giá dầu suy giảm nên ngân sách cho thăm dò khai thác hạn hẹp nên hoạt động này trên thềm lục địa Việt Nam rất yếu và thiếu. "Trong 3-4 năm chúng ta khai thác trung bình đạt 25 triệu tấn/năm nhưng chỉ khai thác được 12-15 triệu tấn/năm tức là đã ăn vào tương lai. Nếu không cải thiện điều này sẽ không chặn được đà suy giảm trong khai thác, sản lượng khai thác chỉ còn 5 triệu tấn sau 5- 7 năm nữa", ông Sơn lo ngại.

Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng giám đốc nêu một số khó khăn trong việc thực hiện các dự án khai thác khí. Theo ông Thập, Chính phủ và các bộ cần đảm bảo chính sách giá khí theo thị trường và đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư. "Hiện nay, về giá khí vẫn phải xử lý với từng dự án 1. Như vừa rồi với dự án mỏ Cá Voi Xanh phải có quyết định riêng về giá khí", ông cho biết.

Những dự án thua lỗ: Ốm bệnh cũng cần tiền mua thuốc chữa

Tại buổi họp, Phó Tổng Giám đốc Lê Minh Hồng thừa nhận hiện tại, ngành dầu khí rất khó khăn, có một số tồn tại, khuyết điểm đang phải xử lý.

"Chính vì vậy, chúng tôi mất rất nhiều thời gian, thường xuyên tiếp các đoàn thanh tram kiểm tra để kiểm điểm...Nhưng đề nghị Chính phủ chỉ đạo xem làm thế nào để (các cuộc thanh, kiểm tra) gom lại, làm cho gọn hơn...để ngành còn tập trung làm việc, tạo ra sản phẩm cho xã hội. Kiểm điểm là cần thiết và chúng tôi vẫn kiểm điểm nghiêm túc nhưng các cơ quan nhà nước cũng cần phải tạo điều kiện, chứ mất 30-40% thời gian để xử lý các việc trong quá khứ, chúng tôi không còn tâm trạng đâu làm việc", ông Hồng kiến nghị.

Cụ thể hơn về các dự án thua lỗ, yếu kém trong ngành, ông Lê Minh Hồng- người còn 2 tháng nữa nghỉ hưu nói:"Khắc phục các dự án yếu kém là niềm trăn trở, nỗi đau của những người làm dầu khí. Có nhiều dự án chuyển tiếp từ các thế hệ trước, chúng tôi vẫn phải vào cuộc quyết liệt để khắc phục nhưng cũng có rất nhiều khó khăn như yêu cầu phải xử lý dứt điểm nhưng không bơm đồng nào...Thì như người ốm cần thuốc nhưng không có tiền mua thuốc...Vì ngay các dự án phá sản cũng cần tiền: các định giá trị, bảo vệ công trình, tiền điện nướ duy trì ...thì rất khó. Nên các bộ, ngành hướng dẫn thêm".

Trả lời ý kiến ông Lê Minh Hồng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, nếu như các dự án yếu kém xem xét, đưa vào vận hành hoạt động, ra được sản phẩm, khắc phục được là tốt nhất. Còn nếu không vận hành được như Bột giấy Phương Nam thì đề nghị Bộ Công Thương, PVN có giải pháp không loại trừ cho phá sản, bán nhưng phải quyết toán được. "Ngay hồ sơ không hoàn công được thì không được", ông Dũng nói.

Về vấn đề ông Hồng nêu việc Chính phủ yêu cầu không cấp thêm vốn cho các dự án thua lỗ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng giải thích: "Ở đây là không bổ sung vốn đầu tư chứ không phải không có chi phí nhất định. Nguyên tắc là không điều tiết từ ngân sách nhà nước nữa khi không khẳng định hiệu quả".

Mạnh Quân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm