Tăng trưởng xuất khẩu hạ nhiệt
(Dân trí) - Cán cân thương mại của Việt Nam vẫn thặng dư nhưng tăng trưởng xuất khẩu chậm lại trong tháng 10 khi nhu cầu của các thị trường chính đều giảm sút do lạm phát, theo HSBC.
Số liệu cập nhật về nền kinh tế do khối nghiên cứu của HSBC tổng hợp cho thấy tình hình xuất khẩu quý IV của Việt Nam khởi đầu với mức tăng trưởng chỉ 4,5% trong tháng 10, so với cùng kỳ 2021. Nhu cầu hàng điện tử tiêu dùng hạ nhiệt trong khi ngành dệt may, da giày và máy móc vốn đang có đà mạnh mẽ trong quý III đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
Khối nghiên cứu nhận định mặc dù mùa mua sắm cuối năm đang đến gần, nhu cầu đặt hàng điện tử và may mặc đang suy yếu khi những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ở phương Tây đang phải đối mặt với tình hình lạm phát cao, tồn kho lớn.
Kết quả khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho thấy dù chuỗi cung ứng ghi nhận sự cải thiện, nhu cầu sụt giảm trên toàn cầu đang ảnh hưởng đến số đơn hàng mới.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu vẫn 7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng hàng nhập khẩu điện thoại và linh kiện thay thế có tháng thứ ba liên tiếp sụt giảm liên tiếp với mức tăng trưởng âm 3% so với tháng 10/2021.
Tháng 8/2022 | Tháng 9/2022 | Tháng 10/2022 | |
PMI | 52,7 | 52,5 | 50,6 |
Xuất khẩu (thay đổi % so với cùng kỳ 2021) | 27,8 | 9,9 | 4,5 |
Nhập khẩu (thay đổi % so với cùng kỳ 2021) | 12,8 | 4,9 | 7,1 |
CPI (thay đổi % so với cùng kỳ 2021) | 2,9 | 3,9 | 4,3 |
Sản xuất công nghiệp (thay đổi % so với cùng kỳ 2021) | 34,7 | 25,3 | 20,6 |
Bất chấp tình hình tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục giảm, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn ghi nhận thặng dư trong tháng 10. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của HSBC dự báo có thể xảy ra thâm hụt tài khoản vãng lai năm thứ hai liên tiếp.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn ổn định được HSBC nhận định là một yếu tố thuận lợi cho ngành sản xuất. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của ngân hàng quốc tế này cũng chỉ ra mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ 9% trong tháng 10 so với cùng kỳ cho thấy sự chững lại so với mức tăng hai chữ số của các tháng gần đây.
Theo dự báo, sau quý III tăng trưởng mạnh mẽ trên nền so sánh rất thấp của cùng kỳ năm trước, tăng trưởng GDP sẽ quay lại mức bình thường trong quý IV. Khối nghiên cứu của ngân hàng này dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,6% trong năm nay và 6% trong năm 2023.