1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tăng trưởng kinh tế năm 2016 dự kiến đạt 6,7%

(Dân trí) - Báo cáo của Chính phủ dự kiến, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 tăng khoảng 6,7% so với năm 2015, chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Sáng 12/10, tại phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.

Báo cáo dự thảo về tình hình kinh tế- xã hội năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong số 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho kế hoạch năm 2015 tại Nghị quyết Quốc hội, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ che phủ rừng.

Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế nưóc ta phục hồi rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước: tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước (cùng kỳ năm 2011: 6,03%; 2012: 5,1%; 2013: 5,14%; 2014: 5,53%).

Báo cáo cũng phân tích rõ động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2015 chủ yếu do sự phục hồi và tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự tăng nhanh của sản xuất và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhờ đầu tư lớn, khả năng cạnh tranh cao và không bị ảnh hưởng của việc giảm giá xuất khẩu nông sản do ít đầu tư vào khu vực này.

Ngoài ra, do tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu được cải thiện nhờ lòng tin vào ổn định kinh tê vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế và lạm phát thấp; và do những tác động bước đầu của việc triển khai thực hiện các luật mới được Quốc hội thông qua có liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi; các hiệp định FTA được ký kết và việc triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh.

Tín hiệu vui khi xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, tỷ lệ nhập siêu ở mức cho phép: tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014; tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 124,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014. Nhập siêu 9 tháng đầu năm khoảng 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong giới hạn Quốc hội cho phép dưới 5%).

Theo nhận định của Bộ này, chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm tăng thấp (bình quân 9 tháng tăng 0,74% so với cùng kỳ), nhưng không có biểu hiện giảm phát. Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 9,1%, cao hơn nhiều so với các năm trước.

Báo cáo của Chính phủ cũng dự kiến đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2016, theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7% so với năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2015, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5%, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31% GDP, chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%, tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5% so với năm 2015.

Dự kiến tổng thu cân đối ngân sách năm 2016 là 984,5 nghìn tỷ đồng. Tổng chi ngân sách năm 2016 khoảng 1.276,2 nghìn tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển khoảng 257 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách dự kiến khoảng 5% GDP.

Phương Dung

Tăng trưởng kinh tế năm 2016 dự kiến đạt 6,7% - 2