1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Tăng trích lập dự phòng rủi ro gấp 4 lần, ABBank giảm lãi 94%

Thảo Thu

(Dân trí) - Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán trong quý II của ABBank tăng nhưng không đủ bù cho việc tăng chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro và sự sụt giảm của thu nhập lãi thuần.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 mới được công bố, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã chứng khoán: ABB) giảm tới 94% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 67 tỷ đồng. Quý II năm ngoái, nhà băng này vẫn lãi tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân của sự sụt giảm lợi nhuận trong kỳ là các nguồn thu chính ghi nhận sụt giảm cộng với việc tăng chi phí dự phòng rủi ro.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý II giảm 20,4%, còn 776 tỷ đồng. Một số mảng khác cũng ghi nhận kết quả không mấy khả quan. Đơn cử, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 51,3%, còn 236 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 71,3%, còn hơn 62 tỷ đồng.

Chưa kể, nhà băng này còn tăng chi phí dự phòng rủi ro gấp 4 lần so với cùng kỳ, từ mức 174 tỷ đồng lên gần 698 tỷ đồng. Theo văn bản giải trình của Phó tổng giám đốc ngân hàng Đỗ Lam Điền, việc tăng chi phí này giúp ngân hàng chủ động xử lý rủi ro trong thời gian tới.

Một số mảng vẫn có sự tăng trưởng như mảng dịch vụ với lãi thuần tăng 78,6%, đạt gần 155 tỷ đồng hay hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư mang về lần lượt 81 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ABBank đạt gần 679 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước. So với mục tiêu lợi nhuận năm là hơn 2.800 tỷ đồng đặt ra, nhà băng mới thực hiện được 24% kế hoạch.

Điểm sáng trong kết quả kinh doanh của ABBank là lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 92% và đạt 288 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Báo cáo tài chính của ngân hàng không thuyết minh rõ biến động lớn này đến từ đâu. Tuy nhiên, tháng 12 năm ngoái, ABBank công bố hợp tác chiến lược với Dai-ichi Life Việt Nam. Thông thường, các nhà băng ghi nhận khoản phí trả trước lớn từ việc ký kết với đối tác bảo hiểm.

6 tháng đầu năm, ngân hàng trích 815 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Số dư nợ xấu tăng 61,5% so với cuối năm trước lên 3.820 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm song nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng lần lượt 156% và 211%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2,88% cuối năm 2022 lên 4,55%. 

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt 154.447 tỷ đồng, tăng 18,7% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,5%, lên 84.020 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt 87.481 tỷ đồng, tăng 4%.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm