1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tăng giá điện, than, dịch vụ công: Cần lộ trình và liều lượng thích hợp

(Dân trí) - Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia khuyến nghị Chính phủ, khung thời gian đến cuối năm không còn nhiều nên việc điều chỉnh giá dịch vụ công cần có lộ trình và liều lượng thích hợp, tránh dồn dập, dễ gây ảnh hưởng tâm lý cho thị trường.

Tại báo cáo vĩ mô tháng 7/2013 của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), cơ quan này cho rằng, xét trên nền tảng kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát tốt và còn dư địa nhất định cho việc tiếp tục điều chính giá (điện, than, dịch vụ công) theo nguyên tắc thị trường và áp dụng linh hoạt.

Tuy nhiên, NFSC khuyến nghị Chính phủ, khung thời gian từ nay cho đến cuối năm không còn nhiều nên cần phải có lộ trình điều chỉnh cụ thể, liều lượng thích hợp và thời điểm cần phải tính toán hợp lý, tránh dồn dập, gây ảnh hưởng tâm lý cho thị trường.

Vẫn còn dư địa để tiếp tục điều chỉnh giá điện

Cụ thể, CPI tháng 7 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 7,29% so với cùng kỳ, bình quân 7 tháng tăng 6,81%. 

Phân tích chỉ số CPI tháng 7 cho thấy, tác động của chính sách tiền tệ cũng như cầu tiêu dùng trong nước là không đáng kể. Lạm phát tổng thể tăng chủ yếu do điều chỉnh giá xăng dầu (ngày 28/6; 14/6) và tỷ giá gây tác động đến nhóm giao thông vận tải (tăng 1,34% so với tháng trước) và giá hàng nhập khẩu.

Theo tính toán của NFSC, nếu chưa tính đến việc điều chỉnh giá do nhà nước quản lý và tác động chính sách, theo dự báo của NFSC trong các báo cáo trước, lạm phát năm nay chỉ ở mức 5%. Trong khi đó, dư địa để thực hiện mục tiêu lạm phát thấp hơn năm ngoái còn khoảng trên 4% cho những tháng cuối năm, tương ứng 0,76%. Như vậy, tốc độ tăng CPI của tháng 7 so với tháng 6 (0,27%) vẫn thấp hơn dư địa cho phép.  

Đợt tăng xăng dầu ngày 17/7, NFSC cho rằng, sẽ tác động tới chỉ số CPI tháng 8. Trong khi đó, theo nhìn nhận của các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Bản Việt (VCSC), giá xăng tăng khoảng 2% sẽ khiến CPI tháng 8 tăng khoảng 0,15%, giá bán điện tăng 5% cũng trực tiếp khiến giá hàng tiêu dùng tăng 0,2% trong tháng 8 và 0,2% nữa trong tháng 9.

Trước đó, VCSC dự báo CPI tháng 8 sẽ tăng khoảng 1% do giá dịch vụ y tế Hà Nội được điều chỉnh và mùa năm học mới đến gần, tuy nhiên, với khả năng giá xăng và giá điện tăng, lạm phát sẽ tăng mạnh hơn, có thể ở mức 1,4-1,5% và đe doạ mục tiêu 7% của Chính phủ.

Bích Diệp