1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Tận dụng tốt thời cơ, Việt Nam có thể trở thành công xưởng mới của thế giới”

(Dân trí) - Đây là nhận định của các chuyên gia phân tích MBS về tác động leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đến kinh tế Việt Nam. Theo đó, nếu tận dụng tốt thời cơ, Việt Nam có thể trở thành một công xưởng mới của thế giới mặc dù về mặt quy mô khó có thể đạt đến mức độ như Trung Quốc. Song cũng không loại trừ khả năng, hàng Việt sang Mỹ cũng sẽ bị đánh thuế.

“Tận dụng tốt thời cơ, Việt Nam có thể trở thành công xưởng mới của thế giới” - 1

Tác động của cuộc chiến này đến kinh tế Việt Nam sẽ bao hàm cả tác động tích cực lẫn tác động tiêu cực (ảnh minh hoạ: Nikkei)

Tại báo cáo chuyên đề về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc vừa mới được phát hành, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết, Việt Nam hiện là một phần của chuỗi giá trị Trung Quốc, tức những mặt hàng xuất sang Trung Quốc để làm nguyên liệu đầu vào, phục vụ hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.

Theo Ngân hàng RHB (Malaysia), hiện tại, 2,2% giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc để làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Con số này đối với các quốc gia khác trong ASEAN bao gồm Philippines Malaysia, Indonesia lần lượt là 16,9%, 11,4% và 11%.

Về phương diện này, Việt Nam được xem là ít chịu thiệt hại nhất trong số các quốc gia ASEAN khi Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% với hàng ngàn mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

MBS cũng lưu ý rằng, cả Mỹ và Trung Quốc đều là thị trường xuất khẩu chính yếu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu 2018 của Việt Nam vào Mỹ và Trung Quốc lần lượt là 49,2 tỷ USD và 41,2 tỷ USD, chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Do đó, khi cuộc chiến tranh thương mại khiến tăng trưởng kinh tế hai quốc gia này suy giảm sẽ khiến nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam giảm đáng kể qua đó tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.

Việt Nam hiện tại nằm trong top 5 quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất với hơn 38 tỷ USD với các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là điện thoại di động, dệt may, giày dép,… Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ có nguồn gốc nguyên liệu đầu vào xuất xứ từ Trung Quốc.

“Nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang Mỹ có thể xem xét đánh thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam để gián tiếp trả đũa Trung Quốc qua đó gây thiệt hại cho Việt Nam” – chuyên gia MBS lo ngại.

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc, cơ cấu dân số trẻ hơn Trung Quốc và giá nhân công rẻ hơn.

MBS cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao khi đang tham gia vào 15 FTAs khiến Việt Nam trở thành điểm đến tốt cho các công ty sản xuất hàng xuất khẩu. Do đó, Việt Nam có khả năng sẽ thu hút nhiều nhà sản xuất chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang để né tránh thuế quan của Mỹ.

“Nếu tận dụng tốt thời cơ, Việt Nam có thể trở thành một công xưởng mới của thế giới mặc dù về mặt quy mô khó có thể đạt đến mức độ như Trung Quốc”, báo cáo của MBS nhìn nhận.

Các sản phẩm Trung Quốc đang xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu như máy tính, điện thoại, đồ may mặc, giày dép, đồ thể thao… khá tương đồng với các sản phẩm xuất khẩu sẵn có của Việt Nam. Cuộc xung đột thương mại Mỹ- Trung Quốc sẽ khiến các nhà nhập khẩu Mỹ buộc phải tìm thị trường nhập khẩu thay thế và Việt Nam sẽ là một lựa chọn hợp lý.

“Tận dụng tốt thời cơ, Việt Nam có thể trở thành công xưởng mới của thế giới” - 2

Tờ The Economist cũng đưa ra đánh giá: Việt Nam sẽ là một trong các quốc gia được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc với một số mặt hàng xuất khẩu.

Nhìn chung, tác động của cuộc chiến này đến kinh tế Việt Nam sẽ bao hàm cả tác động tích cực lẫn tác động tiêu cực. Tuy nhiên, theo MBS, tác động tiêu cực sẽ có tính chất ngắn hạn và tác động tích cực sẽ có tính chất dài hạn hơn.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm