Tạm dừng thu phí BOT theo lượt sau 30/10
(Dân trí) - Thu phí không dừng nhằm minh bạch và đảm bảo công bằng tuyệt đối. Sau 30/10, nếu trạm BOT nào chưa áp dụng công nghệ này thì sẽ phải dừng thu phí. Dù vậy, hiện nhiều nhà đầu tư BOT vẫn chưa thoả mãn với cách thức triển khai dịch vụ thu phí không dừng.
Trong cuộc họp bàn về giải pháp thu phí không dừng áp dụng cho các trạm BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) chiều 11/9 tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty TNHH thu phí tự động VETC (nhà cung cấp dịch vụ) và một số nhà đầu tư BOT đã có nhiều tranh luận.
7 lần đàm phán vẫn chưa... xuôi!
Bà Từ Minh Nguyệt - đại diện nhà đầu tư BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp cho hay: Chủ trương của Chính Phủ, Nhà nước về việc áp dụng công nghệ mới thu phí không dừng để đem lại sự thuận tiện, văn minh cho người dân là hoàn toàn đúng. Nhưng, vấn đề đặt ra là thực hiện như thế nào?
Theo bà Nguyệt, đây là lần thứ 7, đơn vị đi đàm phán với bên cung cấp dịch vụ. Vì còn rất nhiều điểm nhà đầu tư không cảm thấy thoả mãn nên chưa thể đi đến thống nhất.
“Hợp đồng BOT đã ký gồm 3 giai đoạn xây dựng - kinh doanh - chuyển giao. Sau khi chúng tôi đầu tư xây dựng xong con đường lại xuất hiện một bên thứ 3 không liên quan đến hợp đồng “nhảy” vào thực hiện hợp đồng BOT của chúng tôi ở giai đoạn kinh doanh và khai thác, họ ngang nhiên trở thành nhà đầu tư thay chúng tôi trong dự án mà chính chúng tôi là người bỏ tiền, công sức để đầu tư xây dựng” - bà Nguyệt nói.
Đề cập đến vấn đề minh bạch trong thu phí, bà Nguyệt cho rằng, khi một doanh nghiệp cũng như doanh nghiệp mình (không phải cơ quan Nhà nước) đứng ra để thu và quản lý doanh thu của các trạm BOT thì khó có minh bạch.
“29 trạm thu phí thuộc dự án nếu chỉ có một đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng là VETC thì liệu có đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng? Minh bạch là vấn đề kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nếu phát hiện có vi phạm thì doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.” - đại diện nhà đầu tư BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp quan ngại.
Trong khi đó, đại diện nhà đầu tư BOT 194 cho biết: Sau nhiều lần đàm phán, đến nay đơn vị vẫn chưa nhận được bảng giá kê khai giá dịch vụ lắp đặt, nếu chỉ có một đơn vị cung cấp dịch vụ là VETC thì sẽ gây khó cho nhà đầu tư.
“Thời gian đặt ra là phải ký hợp đồng trong vòng 5 năm, sao không là 2 năm? Vì nếu trong 1 năm đầu sau khi ký kết nhà đầu tư BOT nhận thấy công nghệ thu thí tự động không dừng có bất cập hay không thoả mãn được yêu cầ thì có thể dừng hơp đồng ngay. Nếu phải ký 5 năm, anh có thể nói không thể chấm dứt hợp đồng trong 1 năm đầu, thì nhà đầu tư BOT vẫn phải chịu” - đại diện nhà đầu tư BOT 194 phân trần.
Tạm dừng thu phí lượt sau 30/10
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam – khẳng định: “Không có chuyện ép các nhà đầu tư”.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện thẳng thắn: Nhà đầu tư BOT nào chưa cảm thấy thoả mãn với điều khoản đàm phán thì có quyền tìm một nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, nhà cung cấp đó phải được Bộ Giao thông Vận tải thẩm tra, chấp thuận và nhà đầu tư phải chiụ trách nhiệm tự kết nối với hệ thống của Tổng cục.
“Việc các nhà đầu tư BOT muốn tự quản lý hệ thống thu phí không dừng là không thể. Vì để thống nhất một đầu mối quản lý, Chính phủ đã có chủ trương để nhà cung cấp đứng ra giám sát, sau đó mọi dữ liệu sẽ truyền về cho Tổng cục đường bộ quản lý, chứ không có chuyện để cho đơn vị thứ 3 quản lý như lo lắng của nhà đầu tư” - ông Huyện nhấn manh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dù lắp công nghệ thu phí không dừng của đơn vị nào thì cuối cùng các nhà đầu tư BOT vẫn phải hoàn thiện trước tháng 10/2017, chứ không thể trì hoãn hơn được nữa. Từ sau 30/10/2017, đơn vị nào chưa lắp thì Tổng cục sẽ kiến nghị Bộ GTVT cho dừng thu phí.
Hiện nay trên cả nước có tổng số 29 trạm thu phí thuộc dự án thu phí theo hình thức tự động không dừng. Trong số 27 trạm đàm phán với nhà cung cấp dịch vụ thì có 23 trạm đã ký hợp đồng triển khai dịch vụ thu phí không dừng, 10 trạm đã vận hành khai thác thương mại.
Được biết, dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC đang áp dụng hệ thống công nghệ hiện đại tại 7 trạm thu phí trên quốc lộ 1, 14, 10, 21 tại Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắc Nông, Gia Lai, Thái Bình, Nam Định. Dịch vụ cung cấp miễn phí Thẻ điện tử định danh phương tiện VETC, giúp chủ phương tiện tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung vào dự án các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5.
Châu Như Quỳnh