Tái định nghĩa thành công của doanh nghiệp để phát triển bền vững
(Dân trí) - "Cân bằng chiếc kiềng 3 chân kinh tế - xã hội - môi trường, doanh nghiệp mới có thể thành công trong thời đại ngày nay" là chia sẻ của Phó chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh tại Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam năm 2023.
VCSF là sáng kiến đối thoại đầu tiên tại Việt Nam về phát triển bền vững doanh nghiệp, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với hạt nhân là Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) khởi xướng từ năm 2014.
Bước sang năm thứ 10, VCSF 2023 được tổ chức với chủ đề "Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững".
Xuyên suốt phiên chuyên đề vào buổi sáng và phiên toàn thể vào buổi chiều, gần 30 diễn giả, hơn 250 đại biểu tham dự trực tiếp và hàng nghìn lượt đại biểu theo dõi trực tuyến đã cùng thảo luận về các nội dung như thúc đẩy sáng kiến kinh doanh hướng tới nền kinh tế carbon thấp, xây dựng chuỗi cung ứng xanh, thực hành khung Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp (ESG). Chủ đề chuyển đổi năng lượng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, sáng tạo trong phát triển bền vững với chuyển đổi kép trong doanh nghiệp,... cũng được chia sẻ tại chương trình.
Xu hướng nổi bật trong kinh doanh bền vững toàn cầu hiện nay
Tại VCSF 2023, Phó chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh trên cuộc đua xanh toàn cầu, để đi từ tương lai "xám" sang một tương lai "xanh" rộng mở, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn nhận phát triển bền vững không phải là gánh nặng hay chi phí mà là sự đầu tư và đón đầu cơ hội.
Từ tư duy đó, thành công của doanh nghiệp có thể được định nghĩa lại thay vì chỉ căn cứ trên tiêu chuẩn doanh thu, lợi nhuận, lợi ích cổ đông.
Giờ đây, doanh nghiệp cần xác định thành công bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ, hay doanh nghiệp cần gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường.
Cũng chính từ tư duy mới, định nghĩa mới đó mà doanh nghiệp toàn cầu đang thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ, có thể nhận thấy qua một số xu hướng kinh doanh điển hình như chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, lồng ghép vấn đề tự nhiên và đa dạng sinh học vào các mục tiêu về khí hậu. Các doanh nghiệp cũng chú trọng củng cố nguồn vốn con người, xây dựng văn hóa đa dạng, bình đẳng và bao trùm, thấm nhuần tư duy quản trị bền vững theo khung ESG từ ban lãnh đạo doanh nghiệp, công bố minh bạch thông tin của doanh nghiệp thông qua lập và công bố báo cáo bền vững, báo cáo theo khung ESG.
Những trọng tâm hành động cần ưu tiên
Với 6 xu hướng kinh doanh bền vững điển hình trên thế giới đó, Phó chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh đã đưa ra tại Diễn đàn VCSF 2023 bốn khuyến nghị.
Thứ nhất là chuyển đổi tư duy bởi làm phát triển bền vững cần xuất phát từ thay đổi đồng bộ trong tư duy, từ đó thực hiện chuyển đổi hệ thống.
Các cơ quan quản lý cần chuyển đổi tư duy xây dựng chính sách, tư duy quản lý, giám sát, người dân và xã hội nói chung cần chuyển đổi tư duy trong lối sống, lối tiêu dùng, từ "xám" sang "xanh", và doanh nghiệp cần chuyển đổi từ tư duy kinh doanh truyền thống sang kinh doanh "vị tự nhiên". Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển dịch năng lượng công bằng, cắt giảm phát thải carbon đều là những hướng đi của doanh nghiệp chọn kinh doanh "vị tự nhiên".
Thứ hai là chuyển đổi chuỗi giá trị. Doanh nghiệp chỉ có thể hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững khi xây dựng được một hệ sinh thái bền vững thông qua tăng cường sự tham gia và nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp, các bên liên quan trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp.
Thứ ba là thúc đẩy chuyển đổi kép. Chuyển đổi số, phát triển các giải pháp công nghệ mới cần song hành, bổ trợ cho chuyển đổi xanh.
Thứ tư là thúc đẩy trách nhiệm giải trình. Để làm được điều này, theo ông Vinh, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, chú trọng hơn đến cải thiện hoạt động quản trị doanh nghiệp bền vững. Với hơn 96% doanh nghiệp Việt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Vinh khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp nên nghiên cứu, áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do VCCI chủ trì xây dựng.
Nằm trong chuỗi hoạt động thúc đẩy kinh doanh bền vững tại Việt Nam, bên cạnh VCSF 2023, VCCI cũng tổ chức Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI).
Chương trình CSI được VCCI thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ từ năm 2016, với sự phối hợp của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Chương trình hiện tiếp nhận hồ sơ doanh nghiệp trực tuyến cho đến ngày 15/9.