1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Tái cơ cấu nền kinh tế - câu hỏi thế nào?

Tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam là vấn đề đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập từ lâu.

Hội nghị trung ương lần thứ 3 của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua đã kết luận phải cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, và đã quyết định ba lĩnh vực chính của việc tái cấu trúc: đầu tư công; khu vực doanh nghiệp nhà nước; khu vực tài chính ngân hàng. Đáng mừng và hy vọng đây sẽ là một cuộc cải tổ kinh tế toàn diện.
 
Tái cơ cấu nền kinh tế - câu hỏi thế nào?  - 1
Tái cơ cấu nền kinh tế là việc cần làm ngay, nhưng phải xác định được hướng đi đúng (Ảnh minh họa)

 

Cần rất thực tiễn: chỉ làm những việc có thể làm và mang lại kết quả; đừng làm những việc không thể dẫu rất mong muốn làm vì chắc chắn dẫn đến thất bại. Việc tái cơ cấu ba lĩnh vực nêu trên là việc nhà nước phải làm và có thể làm.

Đầu tư công là do nhà nước tiến hành, nên nhà nước chắc chắn tái cơ cấu được: sửa quy hoạch; sửa đổi cơ chế phân cấp đầu tư; cắt các khoản đầu tư không có hiệu quả kinh tế xã hội; bán các khoản đầu tư dang dở cho các chủ đầu tư khác, v.v…

Với khu vực doanh nghiệp nói chung, nhà nước chỉ có thể tái cơ cấu chúng một cách gián tiếp thông qua các chính sách mà nhà nước đưa ra hay sửa đổi (kể cả quy hoạch) nhằm tạo ra các khuyến khích thúc đẩy chúng tự tái cơ cấu. Sửa luật phá sản, cải tổ hệ thống tư pháp và hoàn thiện khung khổ pháp luật, tạo dựng niềm tin… là những việc như thế.

 

Tạo sân chơi bình đẳng để cho khu vực tư nhân phát triển nhanh và lành mạnh, góp phần vào tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, với tư cách chủ sở hữu, nhà nước còn có thể trực tiếp sắp xếp lại (bán, bán một phần hay cổ phần hóa, xóa sổ, hợp nhất, v.v…) bên cạnh các chính sách đối với doanh nghiệp nói chung.

Khu vực tài chính ngân hàng có nét đặc biệt riêng và nhà nước có thể qua chính sách nói chung hay can thiệp trực tiếp (kể cả rút giấy phép) đối với các ngân hàng tư nhân.

Sau khi có sự đồng thuận về việc phải tái cơ cấu, chúng ta phải làm gì?

Vấn đề tiếp theo là tái cơ cấu theo hướng nào và được tiến hành ra sao. Hướng mà sai hay làm không đúng cách thì tái cơ cấu có thể mang lại kết quả tệ hại.

Thực ra đã có nhiều cuộc tái cơ cấu như vậy, tuy có lẽ không có quy mô và mức toàn diện như dự kiến lần này. Thí dụ gần đây nhất là việc sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung - thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước được tiến hành từ 2006.

Hoặc, trong các năm 1997-1999 đã có cuộc sắp xếp lại các ngân hàng thương mại cổ phần bằng cách xử lý một số ngân hàng yếu kém làm giảm số ngân hàng cổ phần thương mại đô thị từ 25 năm 1997 xuống còn 20 năm 1999.

Rồi từ 2003, và nhất là trong giai đoạn 2005-2008, việc một loạt ngân hàng nông thôn được nâng cấp lên thành ngân hàng đô thị cùng với các ngân hàng mới được thành lập, khiến số ngân hàng thương mại cổ phần đô thị tăng lên 35.

Việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung, tăng cường sự độc quyền, các tập đoàn được ưu ái và năng lực quản lý kém một phần do không theo kịp sự tăng về quy mô là ba nguyên nhân chính khiến chúng hoạt động kém hiệu quả và gây ra các hậu quả tai hại mà Vinashin chỉ là một thí dụ điển hình.

Việc sắp xếp lại các ngân hàng thương mại cổ phần đô thị 1997-1999 có thể coi là sự tái cơ cấu thành công. Song việc ào ạt nâng cấp các ngân hàng nông thôn (quy mô nhỏ, hoạt động ở vùng nông thôn) thành các ngân hàng đô thị và lập mới thêm tổng cộng 15 ngân hàng nữa chủ yếu trong giai đoạn 2005-2008, cũng là một kiểu tái cơ cấu theo hướng ngược lại trước, lại gây ra nhiều hệ lụy mới.

Thí dụ, việc này đã làm cho các khách hàng ở vùng nông thôn mất đi sự tiếp cận đến dịch vụ ngân hàng, mảng ngân hàng đô thị khá nhiều và cạnh tranh rất gay gắt và nhiều khi không lành mạnh gây ra nhiều căng thẳng mà một dấu hiệu là lãi suất liên ngân hàng tăng lên khủng khiếp - 43%/năm ngày 19.2.2008 và gần đây nhất lên 30% ngày 17.10.2011.

Tình hình đã đến mức phải có quyết định tái cơ cấu mảng ngân hàng thương mại cổ phần đô thị “theo hướng giảm số lượng” như phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nói trong Hội thảo Triển vọng kinh tế thế giới và Chính sách ứng phó của Việt Nam do Uỷ Ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức cùng với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới ngày 18.10.2011 vừa qua.

Qua ba thí dụ về “tái cơ cấu” kể trên có thể thấy việc nhận ra phải tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, là rất quan trọng, song chưa đủ.

Tái cơ cấu theo hướng nào (nói cách khác là tiến đến các mục tiêu cụ thể nào) là bước tiếp theo hết sức quan trọng. Định hướng sai có thể gây rắc rối như 2 trong ba thí dụ trên gợi ý.
Tại hội thảo nêu trên, các ý kiến hầu như đã đi đến đồng thuận về tái cơ cấu theo hướng nào, khá hợp với các đề xuất của nhiều nhà nghiên cứu trong nước đã nêu ra trong những năm vừa qua. Tuy nhiên cần nhanh chóng thảo luận tiếp để các nhà hoạch định chính sách cũng có quyết định cụ thể về hướng (hay mục tiêu cụ thể) cho mỗi trong ba lĩnh vực đã được quyết định phải tái cơ cấu.

Sau khi đã xác định được hướng, thì việc kế tiếp là phải tiến hành như thế nào. Đây là vấn đề kỹ thuật cũng cần được các chuyên gia thảo luận và phản biện một cách chi tiết.

Chúng ta đã đi được các bước quan trọng song công việc tiếp theo còn nhiều và không ít khó khăn. Giải quyết thế nào với sự cản trở của các nhóm lợi ích, chẳng hạn, là một trong nhiều vấn đề phải đặt ra nghiêm túc ngay từ đầu nếu muốn tái cơ cấu thành công.

 

Theo Nguyễn Quang A

Lao Động