Tái cơ cấu kinh tế: Vừa đột phá, vừa tuần tự
(Dân trí) - Trong hai phương cách thực hiện song song, Đề án Tái cơ cấu kinh tế nêu rõ, nếu doanh nghiệp có vai trò quyết định trong đổi mới và chuyển dịch theo cách tiệm tiến và từng bước thì với chuyển dịch tăng tốc, đột phá, vai trò của Nhà nước quan trọng hơn.
Công cuộc tái cơ cấu kinh tế phải được thực hiện “vừa tuần tự tiệm tiến, vừa tăng tốc đột phá” (ảnh minh họa).
Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Đề án “Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của kinh tế giai đoạn 2011-2012 và định hướng đến 2020” trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bao quát toàn bộ đề án, cơ quan soạn thảo nhấn mạnh rằng, công cuộc tái cơ cấu kinh tế phải được thực hiện “vừa tuần tự tiệm tiến, vừa tăng tốc đột phá”. Trong đó, “tuần tự tiệm tiến” ở những ngành có công nghệ ít thay đổi song phải “tăng tốc đột phát” với các ngành công nghệ thay đổi nhanh, bởi những ngành này cần chọn, áp dụng các công nghệ hiện đại nhất để cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức bật đối với nền kinh tế.
Đề án đề cập khá rõ về định hướng về vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp, người đầu tư. Theo đó, coi doanh nghiệp có vai trò quyết định trong đổi mới và chuyển dịch theo cách tiệm tiến và từng bước.
Tuy nhiên, “đối với chuyển dịch tăng tốc, đột phá thì vai trò của Nhà nước là quan trọng hơn nhiều”. Cụ thể, Nhà nước kiến tạo và hỗ trợ phát triển bằng việc xác định ngành ưu tiên phát triển, trực tiếp hoặc tham gia đầu tư dưới các hình thức thích hợp, trực tiếp xây dựng cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, dẫn dắt, định hướng và lôi kéo các nhà đầu tư, các bên khác có liên quan cùng tham gia thực hiện chương trình tăng tốc, đột phá phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên.
Bản đề án cũng trình ra 12 nhóm giải pháp để tái cơ cấu kinh tế, trong đó đề nghị “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa và không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư tư nhân trong và ngoài nước”.
Đồng thời, Bộ KHĐT cũng cho rằng, cần phải đổi mới chế độ ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cơ chế quản lý đầu tư nhằm thu hút và định hướng đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển các ngành, nghề ưu tiên phát triển.
Trong bản đề án này, ban soạn thảo cũng nêu rõ quan điểm, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán và các định chế tài chính là để loại bỏ các nguy cơ mất an toàn đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đồng thời, tăng cường năng lực trên tất cả các mặt và hiệu quả hoạt động của từng thành viên và của cả hệ thống.
Đích đến là làm cho hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán thực hiện ngày càng tốt hơn các chức năng trung gian tài chính (tức huy động và phân bổ vốn từ người tiết kiệm sang người đầu tư, và chuyển dịch vốn từ ngành và doanh nghiệp kém hiệu quả sang các ngành và doanh nghiệp có hiệu quả cao hơn) và chuyển tải tác động của chính sách tiền tệ đến khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình.
Nằm trong kế hoạch cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh vi mô của môi trường kinh doanh, ban soạn thảo cũng nhấn mạnh đến các giải pháp đảm bảo sự bình đẳng về quyền và cơ hội kinh doanh giữa các doanh nghiệp.
Bản đề án này gồm 4 phần: Phần I đánh giá những thành tựu chủ yếu, những yếu kém cơ cấu nội tại và xác định nguyên nhân. Phần II xác định mục tiêu tổng quát, nguyên tắc và định hướng tái cơ cấu kinh tế. Phần III xác định hệ thống các giải pháp cụ thể để thực hiện các định hướng tái cơ cấu kinh tế và phần IV là tổ chức thực hiện.
Trọng tâm của đề án là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy tái cơ cấu trúc doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; phát triển kinh tế tri thức… phấn đấu đến năm 2020 nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Bích Diệp