Chi phí tái cơ cấu kinh tế: Khó xác định cụ thể

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ KHĐT cho rằng, hiện tại chỉ có thể ước lượng được chi phí theo %GDP nhưng con số đó không mang nhiều ý nghĩa.

Chi phí tái cơ cấu kinh tế: Khó xác định cụ thể
Khó tính toán chính xác con số chi phí tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế.

“Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế” sau một ngày thảo luận bàn bạc ở phiên họp Thường vụ Quốc hội tuần trước hôm nay tiếp tục được đưa ra “mổ xẻ” với sự tham gia của đông đảo các đoàn đại biểu ở các tỉnh thành trong cả nước thông qua diễn đàn trực tuyến.

 Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các thành viên Thường vụ vẫn chưa “chốt” được một con số cụ thể nào về chi phí tái cơ cấu toàn bộ.

Nhắc lại quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế, đơn vị thẩm tra về Đề án này, vốn đã được Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đưa ra trước đó, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên tiếp tục nhấn mạnh, sự cần thiết phải tính toán được chi phí, nhất là trong điều kiện nguồn lực đất nước còn hạn chế, cả về tài chính và nhân lực.

Theo đó, việc tính toán này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí.

Ngoài ra, cũng theo Ủy ban thì những tính toán về chi phí xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước… là cần thiết để có được các giải pháp phù hợp.

Góp phần ý kiến trong buổi thảo luận chiều nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cũng bày tỏ mối băn khoăn về nguồn lực. Ông cho rằng, “có lẽ ta cần tính toán lộ trình bước đi và nguồn lực thực hiện” và bày tỏ sự thông cảm đối với cơ quan chủ trì đề án là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một thời gian ngắn để xây dựng nên đề án quy mô như vậy sẽ có những hạn chế nhất định. Vì vậy, theo ông, thời gian tới, bản đề án sẽ cần phải được nghiên cứu thêm

Ông Lợi cũng lưu ý, nội dung quan trọng nhất trong tái cơ cấu phải là tái cơ cấu nguồn nhân lực vì nguồn nhân lực là 1 trong 3 đầu vào của nền kinh tế.

Còn theo đề nghị của ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, thì việc đưa ra những giải pháp toàn diện, rộng lớn là đúng nhưng chưa đủ mà cần tập trung vào những giải  pháp đột phá, có ưu tiên cụ thể. Ông cho rằng cần phải xác định được điểm yếu nhất hiện nay là gì, vì “bản thân TP HCM cũng lúng túng với việc này” – ông Hà trần tình.

Theo ý kiến riêng của ông Hà thì điểm yếu nhất hiện này là vấn đề liên quan đến giá đất và những quy định về đất đai.

Ông Hà cho rằng, đó chính là “điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế và xã hội nước nhà” Theo đó, nguy cơ gây bất ổn xã hội, giảm sút lòng tin và chiếm một tỷ trọng đầu tư lớn cũng là đất đai.  Do vậy, việc tái cấu trúc doanh nghiệp cần phải có tái cấu trúc doanh nghiệp địa ốc và tập trung vào đó.

“Đất đai, đất đai và đất đai, chỉ cần tập trung vào một điểm thôi, sẽ giải quyết được” – ông Hà nhấn mạnh.

Đáp lại những băn khoăn của các thành viên Thường vụ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Bùi Quang Vinh cho biết, do đây là một đề án rộng nên việc xác định rõ được phạm vi không phải dễ, cần sự tham gia đóng góp ý kiến ở nhiều góc độ khác nhau.

Đề án sẽ còn qua nhiều vòng thảo luận, riêng bản gửi cho các địa phương chỉ mới sửa xong trong hôm qua, còn chưa kịp gửi! Bộ đã có chỉnh sửa lại và nhấn vào 3 nội dung: tài chính - ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp.

Còn về vấn đề nguồn lực, Bộ trưởng nói, đã tổ chức hội thảo xin ý kiến chuyên gia kinh tế, tuy nhiên, “để tính toán cụ thể chi phí cho đề án hết bao tiền thì hơi khó” mà chỉ có thể phác thảo con số ước chừng theo phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Ông cũng lưu ý rằng, với cách tính này thì có thể đặt bút tính ra được nhưng không thật chính xác và không mang nhiều ý nghĩa.

Theo đó, trường hợp tái cơ cấu ở Việt Nam không giống như gói cứu trợ ở Mỹ. Hơn nữa, quá trình này lại gắn với sự chuyển dịch của nền kinh tế nên yêu cầu tính toán cụ thể ra là rất khó mà chỉ có thể tính toán ở từng lĩnh vực cụ thể thì cần những nguồn lực như thế nào.

Người đứng đầu cơ quan soạn thảo cho hay rằng sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Thường vụ, tuy nhiên ông cũng nhìn nhận, sẽ không thể tính chính xác mà sẽ xem xét ở chừng mực nhất định.

Trước đó, theo như tính toán của của một số chuyên gia kinh tế, riêng chi phí cho tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng đã rơi vào khoảng 5% GDP, tương ứng 5-6 tỷ USD (với con số GDP của Việt Nam hiện vào khoảng 120 tỷ USD).

Ông cũng tán thành với đề xuất của ông Hà đã nêu ở trên, đề án tổng thể nhưng cần đột phá và cần phải có những giải pháp cụ thể hóa.

Đồng thời, ông cho biết, cá nhân ông nhận thức được đất đai là “điểm nghẽn” song ông không đồng ý rằng giải quyết được đất đai là sẽ giải quyết được tất cả.

Ngoài ra, ông Vinh cho biết, để hoàn thiện đề án, thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến của các nhà tài trợ sau Hội nghị CG giữa kỳ tổ chức vào tháng 6 tới tại Quảng Trị.  Còn trước mắt sau buổi thảo luận chiều, sẽ hoàn thiện để trình trình ra Quốc hội xem xét vào tháng 5.  

Bích Diệp