Tài chính toàn diện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

(Dân trí) - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: Việt Nam đề xuất chủ đề hợp tác APEC 2017 nhấn mạnh tới tài chính toàn diện trong việc hỗ trợ phát triển bền vững nông nghiệp - nông thôn là do phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn đang là mối quan tâm lớn...

Hôm nay 24/2, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017 tại thành phố Nha Trang, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chủ tọa phiên thảo luận về những ưu tiên hợp tác trong năm APEC 2017 và vai trò của tài chính toàn diện trong việc hỗ trợ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn. Đây là nội dung hợp tác chính về tài chính toàn diện trong năm 2017 được nước chủ nhà Việt Nam đề xuất lựa chọn.

Tham dự phiên họp còn có trên 100 đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm các quan chức tài chính APEC, chuyên gia cao cấp từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức hợp tác & Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Diễn đàn Phát triển Bảo hiểm (IDF), Liên minh tài chính toàn diện (AFI) và các doanh nghiệp bảo hiểm...

Đây là hội nghị đầu tiên trong chuỗi các hội nghị của APEC năm 2017. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các nước APEC cũng như các cơ quan liên quan trong nước nghiên cứu thúc đẩy tài chính toàn diện trong khuôn khổ hợp tác APEC cũng như ở Việt Nam, đặc biệt là thúc đẩy tín dụng cho nông nghiệp nông thôn để báo cáo tại Hội nghị thưởng đỉnh APEC vào tháng 10/2017.

Phiên họp về vai trò của tài chính toàn diện trong việc hỗ trợ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn với sự điều hành của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã thu hút sự tham gia thảo luận tích cực của nhiều đại biểu, đạt được sự đồng thuận về nhiều giải pháp thúc đẩy triển khai mạnh mẽ tài chính toàn diện ở các nền kinh tế thành viên APEC nói chung và Việt nam nói riêng hướng tới sự phát triển đồng đều và bền vững. Nội dung và kết quả của phiên họp lần này sẽ là định hướng của các nền kinh tế thành viên APEC cho cả năm APEC 2017 về tài chính toàn diện mà NHNN sẽ chủ trì.


Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chủ tọa phiên thảo luận về những ưu tiên hợp tác trong năm APEC 2017 và vai trò của tài chính toàn diện trong việc hỗ trợ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chủ tọa phiên thảo luận về những ưu tiên hợp tác trong năm APEC 2017 và vai trò của tài chính toàn diện trong việc hỗ trợ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: Việt Nam đề xuất chủ đề hợp tác APEC 2017 nhấn mạnh tới tài chính toàn diện trong việc hỗ trợ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn là do phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn đang là mối quan tâm lớn không chỉ riêng của Việt Nam mà còn của nhiều nền kinh tế APEC và các tổ chức quốc tế. Đề xuất này còn được đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, đòi hỏi phải phát triển mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa thị trường tín dụng và các sản phẩm dịch vụ tài chính đi kèm có chất lượng, dễ tiếp cận nhằm đáp ứng hiệu quả cho nhu cầu phát triển ngành nông nghiệp và nông thôn, qua đó góp phần giảm nghèo bền vững.

Đó chính là mục đích mà Việt Nam mong muốn thông qua các cơ chế hợp tác APEC 2017 về tài chính toàn diện, có thể tìm ra lời giải đáp để giúp các nền kinh tế APEC, đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu và phát triển một nền nông nghiệp có chất lượng, bền vững, qua đó thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế.

Tại phiên thảo luận, hầu hết tất cả các nội dung trình bày của đại diện các tổ chức quốc tế và đại diện các nền kinh tế APEC đều thống nhất ý kiến cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong các nền kinh tế APEC, tuy rằng ở các mức độ khác nhau xuất phát từ cơ cấu nền kinh tế và trình độ phát triển ở mỗi nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nông nghiệp nông thôn là một khu vực dễ bị tổn thương và do vậy, cần có sự quan tâm và đầu tư đúng mức, có hiệu quả để nền nông nghiệp tại các thành viên APEC phát triển theo hướng mong muốn, qua đó góp phần giảm nghèo và phát triển bền vững.

Ngoài ra, theo các diễn giả, để phát triển một nền nông nghiệp bền vững và có hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội và người dân, ngoài cơ chế chính sách và các giải pháp kỹ thuật - công nghệ, vai trò của nguồn vốn tài trợ và các dịch vụ tài chính có chất lượng đi kèm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, cần có giải pháp tổng thể và cần thực hiện đồng thời nhiều biện pháp về tài chính toàn diện để thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn, bao gồm các cơ chế chính sách hỗ trợ tín dụng, các dịch vụ tài chính, ứng dụng các công nghệ tài chính mới, bảo hiểm rủi ro, giáo dục nâng cao nhận thức tài chính cho người dân...

An Hạ