Tác động của hàng loạt chính sách, ôtô nhập đã giảm mạnh

(Dân trí) - Mặc dù con số xe nhập khẩu tháng 10 tăng so với tháng trước nhưng điều này không bù lại được số lượng xe nhập khẩu ngày càng giảm trong các tháng trước đó bởi tác động của chính sách thuế và các chính sách về ô tô hiện hành.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan về số lượng hàng hóa nhập khẩu trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2016, cả nước nhập khẩu hơn 86.800 xe ô tô nguyên chiếc, đạt giá trị 1,9 tỷ USD, giảm 1.100 chiếc so với cùng kỳ 10 tháng của năm 2015 và giảm 400 triệu USD giá trị so với con số 2,3 tỷ USD nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2015.

Xét về 8 thị trường trọng điểm nhập khẩu xe như Thái Lan, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Mỹ lượng nhập khẩu trong tháng 10 so với tháng 9 vẫn tăng khoảng 1.500 xe, tuy nhiên không bù được với lượng sụt giảm trước đó.

Xe nhập khẩu đã bắt đầu giảm do điều tiết của chính sách (ảnh minh họa)
Xe nhập khẩu đã bắt đầu giảm do điều tiết của chính sách (ảnh minh họa)

Đáng nói, nhiều thị trường cung cấp xe tăng mạnh vào Việt Nam trong tháng 10 so với tháng trước như: Thái Lan (tăng hơn 200 chiếc), Nga (100 chiếc) Ấn Độ (hơn 550 chiếc) và Hàn Quốc (hơn 760 chiếc). Các thị trường xe nhập khẩu giảm gồm: Trung Quốc hơn 25 chiếc, Đức gần 120 chiếc và Mỹ hơn 50 chiếc.

Về tổng lượng nhập khẩu 10 tháng đầu năm, xu hướng nhập khẩu giảm rất mạnh, so sánh tổng lượng nhập của 8 thị trường nhập khẩu xe trọng điểm về Việt Nam trong 10 tháng năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015, lượng xe nhập giảm trên 11.200 chiếc.

Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, hiện trong 8 thị trường nhập khẩu xe ô tô lớn, có ba thị trường xe nhập giảm mạnh là Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đã có số xe nhập giảm trên 21.000 chiếc trong 10 tháng đầu năm 2016. Còn lại 4 thị trường xe nhập khác gồm Thái Lan, Nga, Nhật Bản, Đức, Mỹ có số nhập khẩu tăng trên 9.200 chiếc.

Theo đại diện Tổng cục Hải quan, nguyên nhân khiến lượng ô tô giảm là do điều tiết của hàng loạt các chính sách đã và đang ảnh hưởng lớn đến thị trường nguồn cung và thị trường tiêu thụ.

Cụ thể, trong năm 2016, thị trường ô tô Việt Nam khá xáo trộn bởi tác động của các chính sách thuế và quy định của luật phát. Ngày 1/7/2016, chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Việt Nam đã thay đổi, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt các loại xe dung tích xi lanh dưới 2.0L sẽ được giảm từ 5% -15% ngay từ thời điểm Luật Thuế TTĐB được áp dụng, ngược lại, xe dung tích cao từ 2.5L lên 6.0L sẽ tăng lên từ 15 - 60% so với trước.

Theo ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhỏ và vừa: Chính những thay đổi từ điều thuế TTĐB đã ảnh hưởng đến thị trường ô tô và phân hóa loại hình nhập khẩu ô tô thời gian qua. Cụ thể, nhiều dòng xe nhỏ, dung tích thấp và có tiêu chuẩn khí thải euro 2 đã được xuất khẩu mạnh vào Việt Nam từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan. Còn các dòng xe ô tô dung tích cao, có tiêu chuẩn khí thải cao như Euro 4 lại hạn chế vào Việt Nam do giá cao.

Ngoài chính sách thuế TTĐB được điều chỉnh ảnh hưởng đến thị trường ô tô, trong năm 2016, thị trường ô tô còn chịu tác động cộng hưởng từ việc tranh cãi duy trì hay xóa bỏ Thông tư 20 (Thông tư do Bộ Công Thương quy định nhập khẩu, kinh doanh và bảo hành bảo dưỡng ô tô kinh doanh, nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc tại Việt Nam là ngành nghề kinh doanh có điều kiện).

Vì có sự tranh cãi này, nhiều thời điểm các ngành kinh doanh ô tô nhập khẩu tưởng sẽ được mở cửa. Tuy nhiên, mới đây ngày 22/11, Quốc hội đã phê chuẩn Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung phụ lục 4 luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và bảo hành bảo dưỡng ô tô được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, từ nay đến ngày 1/7/2017 khi dự Luật trên đi vào cuộc sống chắc chắn hoạt động nhập khẩu xe ô tô về Việt Nam sẽ còn có khó khăn và thị trường có sự phân hóa, trong đó số lượng xe sang, cao cấp nhập khẩu sẽ giảm và chủ yếu thị trường sẽ được điều tiết bởi các hãng xe trong nước cung ứng và phân phối.

Nguyễn Tuyền