Sun Group đầu tư quần thể Khu du lịch sinh thái Mẫu Sơn
(Dân trí) - Ngày 30/9/2019, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019 của tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn đã trao chứng nhận đầu tư cho 37 dự án để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh. Trong đó, Tập đoàn Sun Group đã được trao giấy chứng nhận đầu tư quần thể Khu du lịch sinh thái Mẫu Sơn.
Theo đó, tại quần thể này, Sun Group sẽ đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ hoạt động nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái mang bản sắc vùng núi phía Bắc, dự kiến đáp ứng nhu cầu khoảng 1 triệu khách/năm.
Tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2040. Mục tiêu nhằm phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, đặc sắc về văn hóa, và du lịch sinh thái của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.
Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Mẫu Sơn đáp ứng được các tiêu chí của Khu Du lịch quốc gia với sản phẩm đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Đồng thời khai thác thế mạnh đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên, địa hình, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chuyên nghiệp, bền vững.
Với các lợi thế về điều kiện khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, những giá trị về bản sắc văn hoá dân tộc thuần khiết của đồng bào các dân tộc sinh sống quanh đỉnh núi, rõ ràng, Mẫu Sơn có rất nhiều tiềm năng để trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch.
Tuy nhiên, lâu nay Mẫu Sơn như “nàng công chúa” xinh đẹp nhưng “say ngủ”. Trong quá khứ, từ năm 1935, người Pháp đã chọn Mẫu Sơn để xây dựng một trong những điểm nghỉ dưỡng lý tưởng bậc nhất ở vùng viễn Đông. Gần một thế kỉ trôi qua, những nhà nghỉ được xây khi đó nay đã đổ nát, hoang tàn. Dịch vụ du lịch mới gần như chưa có gì nhiều ngoài những nhà nghỉ tự phát, những hàng quán khá tạm bợ, chủ yếu là bà con dân bản tự làm ăn buôn bán.
Hạ tầng du lịch nghèo nàn ấy khiến lượng khách đến Mẫu Sơn vẫn ít và lẻ tẻ. Khảo sát thực tế, các nhà nghỉ mỗi ngày chỉ đón vài lượt khách, còn lại bỏ trống.
UBND tỉnh Lạng Sơn đã nhìn nhận được việc cần đánh thức Mẫu Sơn, tính đến việc mời gọi các nhà đầu tư tới thay đổi vùng đất này. Cũng đã có một số nhà đầu tư hứa hẹn sẽ xây dựng các hạng mục du lịch nhưng đa phần họ chỉ đến khảo sát rồi… đi.
Bởi vậy, để “nàng công chúa” Mẫu Sơn “thức giấc”, cần những nhà đầu tư chiến lược đủ tiềm lực tài chính, dày kinh nghiệm về phát triển du lịch để đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch xứng tầm, cùng những sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng nhằm đưa Mẫu Sơn thành điểm đến mới bùng nổ trên bản đồ du lịch Việt mà vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống và bảo đảm tính bền vững.
Bởi, như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Lạng Sơn, thì với cảnh sắc như chốn bồng lai tiên cảnh, không kém các cảnh đẹp của Trung Quốc, Nhật Bản, nếu biết khai thác, Mẫu Sơn sẽ thành một điểm đến mới bùng nổ trên bản đồ du lịch Việt Nam. Các khảo sát cho thấy, dư địa tăng trưởng du lịch của Mẫu Sơn còn cao hơn cả Sa Pa (Lào Cai).
“Ở Việt Nam đây là điểm nhiều tuyết nhất trong mùa đông, mùa hè thì mát mà chưa được khai thác. Và rất nhiều tài nguyên du lịch hấp dẫn như động Tam Thanh, Nhị Thanh… và 600 di tích lịch sử như ải Chi Lăng, Thành Nhà Mạc… Như vậy là du lịch tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Chứ không phải chỉ có Tam Đảo, Sapa hay Bà Nà – Núi Chúa trong Đà Nẵng đâu. Chính Mẫu Sơn mới thực sự là hấp dẫn”, Thủ tướng khẳng định.
“Chúng ta cần một nền kinh tế mạnh của tỉnh nhà tại vùng biên giới, bởi không có tuyến phòng thủ nào vững chắc bằng tuyến phòng thủ là một nền kinh tế mạnh. Lạng Sơn phải cùng với cả nước góp phần vào chiến lược này, cần đề xuất xây dựng cơ chế liên kết các tỉnh biên giới tạo ra hành lang kinh tế phát triển mạnh, dọc tuyến biên giới” (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc).