1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Sữa tươi tiệt trùng”: 78% là sữa bột

Nhiều loại sữa nước đóng hộp được gọi là “sữa tươi tiệt trùng” thực chất được chế biến chủ yếu từ sữa bột. Để bảo đảm chất lượng như sữa tươi nguyên chất, các nhà sản xuất phải bổ sung các vitamin, khoáng chất... nhưng mức độ bổ sung đến đâu thì chưa ai kiểm soát được.

Theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 7028:2002: Để được công nhận là sữa tươi tiệt trùng, sản phẩm phải được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu và qua xử lý ở nhiệt độ cao.

 

Nếu có bổ sung sữa bột hoặc chất béo sữa để chuẩn hóa nguyên liệu thì hàm lượng pha chế thêm cũng không quá 1%, tính theo khối lượng của sữa tươi nguyên liệu.

 

Các nhà chuyên môn đánh giá: Nếu áp theo tiêu chuẩn này, thì hầu hết sữa uống đóng hộp bày bán trên thị trường được gọi là “sữa tươi tiệt trùng” là hoàn toàn sai biệt.

 

Chỉ 22% sữa tươi

 

Số liệu của Cục Chăn nuôi cho thấy: Trong 5 tháng đầu năm 2006, các đơn vị sản xuất sữa đã nhập khẩu 137,7 triệu USD bột sữa gầy và ước tính cả năm 2006 sẽ nhập khoảng 330 triệu USD bột sữa gầy, tăng gần 20 triệu USD so với năm trước.

 

Nguyên nhân phải nhập nguyên liệu sữa bột vì trên thực tế, tổng sản lượng nguyên liệu sữa tươi do các hộ chăn nuôi bò sữa cung cấp khoảng 200.000 tấn, chỉ đáp ứng được 22% nhu cầu trong nước.

 

Với số lượng nguyên liệu sữa tươi ít ỏi này chủ yếu chỉ đủ để các đơn vị sản xuất dùng chế biến yaourt, phô mai...

 

“Với tỉ lệ 78% là sữa bột, 22% sữa tươi, cho thấy người tiêu dùng VN đang phải sử dụng một tỉ lệ sữa không tốt đối với sức khỏe. Trong khi đó tại Thái Lan sử dụng 99% sữa tươi; Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan sử dụng sữa tươi 100%” - một chuyên gia về dinh dưỡng tại TPHCM nhận xét.

 

Nguyên nhân chủ yếu khiến nguyên liệu sữa tươi không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước là do giá thu mua sữa tươi thấp, không khuyến khích người chăn nuôi phát triển đàn.

 

Giá thu mua sữa tươi tại nhà máy thường chỉ 4.200 đồng/kg, trong khi giá thu mua sữa tươi (tính theo VNĐ) ở Thái Lan là 4.950 đồng/kg, Trung Quốc: 5.200 đồng/kg, Hàn Quốc: 8.500 đồng/kg và Đài Loan: 8.000 - 11.000 đồng/kg...

 

Tổng giám đốc một công ty sản xuất sữa 100% vốn nước ngoài tại VN thừa nhận: Nguồn sữa tươi nguyên liệu ở VN không đáp ứng đủ nhu cầu nên hầu hết các doanh nghiệp đều nhập sữa bột để chế biến.

 

Trong báo cáo về việc tổ chức hệ thống thu mua sữa tươi của một đơn vị sản xuất sữa lớn nhất VN vừa gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu rõ: Năm 2005, đơn vị này đã thu mua gần 93.000 tấn sữa tươi và 6 tháng đầu năm 2006 đã thu mua hơn 47.000 tấn sữa tươi. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn nguyên liệu sữa tươi vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.

 

Lập lờ thông tin

 

Mặc dù chủ yếu được sản xuất bằng sữa bột như vậy nhưng nhiều đơn vị sản xuất vẫn ghi nhãn hiệu là “sữa tươi...”. Nhiều loại sữa hộp ghi nhãn: “Sữa tươi tiệt trùng” nhưng công bố thành phần trên bao bì lại gồm rất nhiều nguyên liệu như: sữa bò tươi, bột sữa, dầu bơ, chất nhũ hóa, chất ổn định... gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

 

Ngay trên bao bì của loại “Sữa tươi tiệt trùng nguyên chất” được hiểu là sữa tươi 100% thì trong thành phần vẫn có “bột sữa và dầu bơ”. Trên bao bì của nhiều loại “sữa tươi tiệt trùng” như: “Sữa tươi tiệt trùng nguyên chất”, “Sữa tươi tiệt trùng có đường”, “Sữa tươi tiệt trùng sôcôla”, “Sữa tươi tiệt trùng dâu”... đều ghi câu khẳng định “Bắt đầu ngày mới thật khỏe với sữa tươi...”, “Sữa tinh khiết từ thiên nhiên”...

 

Tham khảo ý kiến một số người tiêu dùng thường mua “sữa tươi tiệt trùng” của một hãng sữa có tên tuổi, họ đều cho biết: Sở dĩ chọn mua sữa của đơn vị này vì ngộ nhận chỉ có đơn vị này sản xuất “sữa tươi nguyên chất”.

 

Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng VN Ngô Quý Việt cũng đã khẳng định: Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp sản xuất sữa hộp chủ yếu từ nguyên liệu sữa bột nhưng vẫn gắn nhãn “sữa tươi” để bán ra thị trường nhằm hấp dẫn người tiêu dùng.

 

Theo TCVN 7029:2002: Đối với những sản phẩm sữa được chế biến bằng cách pha thêm nguyên liệu sữa bột và chất béo sữa, nước... qua xử lý ở nhiệt độ cao thì phải gọi là sữa hoàn nguyên tiệt trùng và các nhà sản xuất phải ghi rõ trên bao bì là “Sữa hoàn nguyên tiệt trùng”.

 

Khó xác định giá trị dinh dưỡng

 

Theo một chuyên gia dinh dưỡng, sữa đã qua tiệt trùng và đóng hộp nghĩa là không còn tươi. Nguyên liệu sữa bột được sử dụng là loại sữa đã qua xử lý, tách thành phần và tiệt trùng ở nhiệt độ cao.

 

Nhiều chất dinh dưỡng trong sữa tươi đã bị mất đi. Để bảo đảm chất lượng bằng sữa tươi nguyên chất, các nhà sản xuất phải bổ sung vitamin, khoáng chất... nhưng mức độ bổ sung đến đâu thì chưa ai kiểm soát được.

 

Bác sĩ Ngô Thị Vân Hương, Viện Vệ sinh Y tế công cộng, cho biết: Một số người còn lẫn lộn giữa “sữa tươi tiệt trùng” với thành phần chính là sữa tươi và “sữa hoàn nguyên tiệt trùng” với thành phần chính từ sữa bột.

 

Sữa tươi tiệt trùng có tính cân đối trong thành phần tốt hơn vì được bổ sung một số loại vitamin. Đối với sữa bột pha thành “sữa tươi” rồi được tiệt trùng như hiện nay, tùy hàm lượng pha vào là bao nhiêu mới có thể xác định độ dinh dưỡng có trong sữa.

 

Lẽ ra, các nhà sản xuất nên ghi cụ thể thành phần, định lượng, giá trị dinh dưỡng trên bao bì chứ cách ghi chung chung như hiện nay thì cả giới chuyên môn cũng không xác định được giá trị dinh dưỡng thật huống chi là người tiêu dùng.

 

Một chuyên gia về dinh dưỡng thực phẩm tại TPHCM phân tích thêm: Muốn chế biến từ nguyên liệu sữa tươi nguyên chất, các đơn vị sản xuất phải đầu tư công nghệ tiệt trùng UHT để sữa không lên men và bảo quản được từ 3-6 tháng.

 

Tuy nhiên, dây chuyền này rất đắt nên cách tốt nhất là các đơn vị thường dùng sữa bột để pha chế thành... “sữa tươi” và chắc chắn đây không phải là “sữa tươi tiệt trùng nguyên chất”.

 

Sữa tươi chỉ để được 10 ngày

 

Theo nhận định của một chuyên gia trong ngành chăn nuôi bò sữa: Ở VN hiện chỉ có 2 đơn vị có đủ nguồn sữa tươi nguyên liệu để chế biến sữa tươi là Công ty M. (phía Bắc) và Công ty L. (phía Nam).

 

Giám đốc Tiếp thị Công ty L. cho biết: Hiện có 2 dây chuyền sản xuất sữa nước đóng hộp là dây chuyền sản xuất tiệt trùng và dây chuyền sản xuất thanh trùng. Sữa tươi của công ty được sản xuất theo công nghệ thanh trùng, sữa được xử lý ở nhiệt độ khoảng 72oC - 85oC trong khoảng thời gian 15-20 giây trước khi giảm nhiệt độ xuống 4oC để các thành phần dinh dưỡng không bị ảnh hưởng.

 

Chính vì sản xuất theo công nghệ thanh trùng nên đầu vào của nguồn sữa bò phải được kiểm soát vệ sinh rất chặt chẽ. Dù đã qua giai đoạn thanh trùng nhưng hạn sử dụng của sữa tươi cũng chỉ nâng lên từ 8 - 10 ngày, còn nếu chế biến theo phương pháp nấu sữa tươi như dân gian vẫn áp dụng thì chỉ sử dụng được trong vòng 2 ngày.

 

Theo M.Vân-N.Mai-T.Nhân

Báo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm