1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sữa học đường: Chọn loại sữa nào là phù hợp?

(Dân trí) - Đề án sữa học đường hiện vẫn đang là câu chuyện được các phụ huynh quan tâm, là chủ đề được bàn tán khá nhiều trên các diễn đàn, mạng xã hội. Tuy nhiên, vấn đề chọn loại sữa nào thích hợp nhất: Sữa tươi hay sữa bột đang là vấn đề gây tranh luận.


Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về Đề án Sữa học đường (Ảnh minh họa)

Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về Đề án Sữa học đường (Ảnh minh họa)

Sữa học đường cải thiện thể trạng, sức khỏe của học sinh

Đề án Sữa học đường đã được Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia quan tâm từ rất sớm. Việc bổ sung sữa cho trẻ mầm non và tiểu học như mục tiêu đưa ra trong đề án được đánh giá là cần thiết.

Đối với nhiều người Việt, chương trình này còn khá mới mẻ nhưng trên thực tế, sữa học đường đã được nhiều quốc gia triển khai thành công. Trên thế giới hiện có khoảng 60 nước tham gia và hưởng ứng Ngày Sữa học đường thế giới do FAO phát động.

Như ở Thái Lan, từ năm 1985, học sinh mẫu giáo, tiểu học đã được uống sữa nước ở trường học. Còn ở Nhật Bản, từ năm 1963 đã chính thức đưa sữa học đường vào các trường học từ mẫu giáo, đến trung học, phổ thông, duy trì cho đến nay.

Sớm hơn Nhật, Mỹ đã thực hiện sữa học đường từ năm 1940 nhờ sự hỗ trợ của Liên bang Chicago. Sauddos, chương trình được mở rộng sang Omaha, Nebraska; Ogden, Utah... rồi được mở rộng trên toàn nước Mỹ.

Tại Việt Nam, sữa học đường được Chính phủ bàn đến cách đây 6 năm, nhưng do ngân sách hạn hẹp, chương trình bị đình lại. Tháng 7/2016, chương trình sữa học đường quốc gia chính thức được phê duyệt theo quyết định số 1340/QĐ-TT ngày 8/7/2016.

Vậy vì sao Việt Nam hay các nước khác trên giới lại chọn sữa để đưa vào chương trình? Bà Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, sữa là một trong 8 nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, có mặt trên tất cả tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa quan trọng và dễ tiếp thu của giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Theo đó, với những trường đã thực hiện cho học sinh uống sữa hàng ngày, nhất là các trường mầm non vẫn hoàn toàn có thể tham gia chương trình sữa học đường.

Thực tế tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, thể nhẹ cân, thiếu máu,… vẫn ở mức rất cao so với thế giới, trong đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 24,6% (nguồn: Viện dinh dưỡng 2015).

Với tình trạng như vậy, theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc mỗi ngày được bổ sung ít nhất 1 hộp sữa trong bữa ăn học đường thông qua chương trình sữa học đường là điều cần thiết. Vấn đề là giám sát để đảm bảo thực hiện tốt, quản lý tốt.

Không nên bổ sung sữa bột pha sẵn vào chương trình?

Như đã đề cập ở trên, sữa học đường là một giải pháp đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới và thực tế đã được triển khai thí điểm tại một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Chương trình này cũng được giới chuyên gia đánh giá là cần thiết, tuy nhiên vấn để đặt ra đó là làm sao có các giải pháp giúp phụ huynh học sinh hiểu, tự nguyện tham gia.

Theo đó, chúng ta cần có các thông tin minh bạch để trả lời các câu hỏi mà các bậc cha mẹ băn khoăn như chất lượng sữa, doanh nghiệp cung ứng có uy tín, việc sử dụng cho các trẻ thừa cân béo phì, vấn đề rối loạn tiêu hoá do không dung nạp sữa, vấn đề đóng góp tài chính…

Trong các yếu tố trên, có lẽ vấn đề chất lượng sữa được các phụ huynh quan tâm nhất. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự đồng thuận của các bậc phụ huynh.

Theo Quyết định số 1340/QĐ-TT được Thủ tướng phê duyệt, sữa tươi sẽ được sử dụng cho chương trình sữa học đường. Theo đánh giá, sữa tươi hiện được tin tưởng nhất bởi khó có thể can thiệp về chất lượng.

Để đảm bảo chất lượng, việc sử dụng sữa tươi để chế biến sữa học đường phải kiểm soát được cả đầu vào (sữa thô) và đầu ra (sữa tươi tiệt trùng, có bổ sung vi chất dinh dưỡng). Do vậy, doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu Chương trình sữa học đường phải chứng minh được năng lực sản xuất sữa tươi, truy xuất nguồn gốc sữa chứ không phải bất cứ sữa nào cũng dùng cho con trẻ.

Liên quan đến việc sử dụng loại sữa nào cho chương trình sữa học đường, mới đây có đề xuất thay vì chỉ sản phẩm sữa tươi mới được tham gia sữa học đường, thì chuyển theo hướng cho cả các sản phẩm sữa bột pha lại cũng được tham gia chương trình này.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2017, Việt Nam đã chi trên 1,2 tỷ USD cho việc nhập sữa, sản phẩm từ sữa và nguyên liệu sữa từ nhiều nước châu Mỹ, châu Âu, châu Á… Chỉ tính riêng quý I/2018, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này là trên 200 triệu USD. Ước tính cả năm 2018, số lượng nhập khẩu sữa bột về Việt Nam cũng không dưới 1 tỷ USD.

Như vậy, dù là đất nước nông nghiệp hoàn toàn có khả năng sản xuất sữa tươi, chúng ta vẫn phải nhập khẩu sữa bột với số tiền tương đương với hơn 25.000 tỷ đồng. Như vậy có thể, nếu sữa học đường mà dùng sữa bột pha lại thì sẽ không khuyến khích được sản xuất trong nước.

Trong khi đó, Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã lên tiếng khẳng định với năng lực chăn nuôi bò sữa và chế biến hiện nay, ngành sữa hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng sữa tươi của Chương trình sữa học đường mà chưa cần bổ sung thêm các loại sữa bột khác.

Giả thiết, nếu đơn vị trúng thầu chủ yếu là doanh nghiệp buôn bán sữa thì câu hỏi đặt ra, liệu có biến chương trình này thành… một chợ sữa? Chưa kể khi đơn vị nhập khẩu sữa bột từ nước ngoài về, đem hòa với nước, rất khó kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Theo ý kiến của một số chuyên gia ngành sữa, đối với một chương trình như sữa học đường, thì cần thiết chính sách phải đảm bảo nhất quán, tiêu chuẩn sản phẩm phải ổn định, đảm bảo tối đa về chất lượng. Cùng với đó cần có sự giám sát chặt chẽ đề doanh nghiệp vào cuộc minh bạch, công bằng thông qua đấu thầu.

Khi các vấn đề nêu trên được đảm bảo, phụ huynh học sinh sẽ hiểu, nhất trí tham gia một cách tự nguyện. Có như vậy ý nghĩa và hiệu quả của đề án mới được nâng cao và tạo được các hiệu quả tốt hơn.

Nguyễn Khánh

Sữa học đường: Chọn loại sữa nào là phù hợp? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm